Năm 2019, VietinBank đặt kế hoạch lợi nhuận 9.500 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 6 - 8%. Lãnh đạo VietinBank cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai kế hoạch hành động thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 theo đúng lộ trình.
Năm 2018, Vietcombank đã đạt lợi nhuận kỷ lục và vượt xa kế hoạch với 18.300 tỷ đồng. Năm nay, nhà băng này cho biết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là khoảng 12%, tức lợi nhuận sẽ đạt trên 20.000 tỷ đồng. Không chỉ dừng lại ở đó, tham vọng của Vietcombank hướng tới top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực và trong 300 định chế tài chính lớn nhất toàn cầu.
Trong kế hoạch phát triển ngân hàng 2019 và các năm tới, hầu hết ngân hàng cho biết dịch vụ sẽ là trọng tâm của ngân hàng. Ngay từ đầu năm các ngân hàng đã vào cuộc đua phát hành thẻ tín dụng và cạnh tranh khốc liệt với hàng loạt dịch vụ mới. |
Tổng Giám đốc ACB Đỗ Minh Toàn cho hay, mục tiêu lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm nay tăng 20 - 25%. Năm ngoái, ACB đạt gần 6.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, thực hiện vượt mục tiêu ban đầu (5.399 tỷ đồng).
Chia sẻ về mục tiêu kinh doanh năm 2019, Tổng Giám đốc ngân hàng Quân đội (MB Bank) Lưu Trung Thái cho biết, năm nay MB đặt kế hoạch, lợi nhuận trước thuế tăng 20%; kiểm soát tốt nợ xấu dưới 1,5%. Ngoài ra, năm 2019 cũng là năm ngân hàng hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập ngân hàng (4/11/1994 - 4/11/2019).
Kết quả điều tra mới nhất của Vụ Dự báo thống kê NHNN cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều lạc quan triển vọng kinh doanh trong năm 2019. Cụ thể, có khoảng 88% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% TCTD dự báo tình hình kinh doanh sẽ "cải thiện nhiều".
Gấp rút tăng vốn, gia tăng dịch vụNăm 2018 là năm ghi nhận những mức lãi kỷ lục, nhiều ngân hàng tăng theo cấp số nhân, lợi nhuận năm 2018 sẽ tạo một cái bóng tham chiếu lớn cho tăng trưởng năm sau. Giới phân tích tài chính - chứng khoán cũng nhận định, năm 2019 tăng trưởng tín dụng khó có thể cao, trong khi áp lực đáp ứng tiêu chuẩn Basel II của các ngân hàng ngày một lớn.
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), để tăng tín dụng 14 - 15% theo chuẩn Basel II, các ngân hàng niêm yết phải tăng vốn 237.000 tỷ đồng trong năm 2018 - 2019, tương đương 10 tỷ USD. Tuy nhiên, ông Lê Đức Thúy - nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay, 2 năm gần đây, các ngân hàng loay hoay mãi cũng chỉ tăng được hơn 2 tỷ USD.
Lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết: “Nỗi lo lớn nhất của các ngân hàng năm 2019 là liệu có thể tăng vốn kịp giờ G. Từ giữa năm 2018, NHNN đã phát đi cảnh báo và năm 2019, nếu không thể tăng vốn, nhiều khả năng chúng tôi phải giảm chỉ tiêu tín dụng”. Dễ nhận thấy, trong kế hoạch tổ chức đại hội cổ đông sắp tới, nhiều ngân hàng lên kế hoạch phát hành cổ phiếu, gấp rút hoàn thành kế hoạch tăng vốn. Vietcombank công bố dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 26/4/2019. Một trong các nội dung đáng chú ý nhất trong cuộc họp lần này là tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ năm 2019. Nhiều “ông lớn” ngân hàng quốc doanh khác cũng đề nghị được thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu để gia tăng quy mô vốn điều lệ nhằm đáp ứng các tiêu chí an toàn theo tiêu chuẩn Basel II vào năm 2020.
Bên cạnh tăng vốn, cuộc đua tăng cường đẩy mạnh dịch vụ bán lẻ, phát triển dịch vụ sẽ tiếp tục khốc liệt. Năm 2019, có thể nói, tín dụng vẫn là một cấu phần có ảnh hưởng lớn nhất tới lợi nhuận các ngân hàng trong năm nay, nhưng với định hướng siết chặt hơn tăng trưởng tín dụng của NHNN, dự báo tín dụng sẽ khó tăng mạnh trong năm tới.
Theo Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng, đặc thù của ngân hàng có điều kiện phát triển mạng lưới rộng lớn, dịch vụ bán lẻ cho vay tiêu dùng, cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, có huy động tín dụng dân cư song định hướng chung, LienVietPostBank sẽ tiếp tục phát triển kinh doanh bán lẻ, huy động tín dụng vi mô, tăng nguồn thu từ phí dịch vụ ngân hàng và từ ngân hàng số.
Trong khi đó, với vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng đầu tư cho "Tam nông”, Agribank cho biết đã sớm có giải pháp ứng dụng những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là phát triển các dịch vụ thanh toán, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Phấn đấu doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng tăng 25% như yêu cầu đặt ra.