Theo Sở NN & PTNT kế hoạch vốn năm 2013 đã được giao là 1.008 tỷ đồng, tính đến 10/9 thành phố đã giải ngân đạt hơn 479 tỷ đồng (tròn số), bằng 47,5 % kế hoạch (KH). Trong đó, nguồn vốn XDCB từ ngân sáchTP là 314.8 tỷ đồng, đến 1/9/2013 giải ngân được 176,7 tỷ đồng bằng 56,1% KH giao. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2013 do TP quản lý là 340 tỷ đồng đầu tư cho 2 dự án nạo vét lòng dẫn sông Đáy và 2 dự án duy tu, tu bổ đê điều, đến nay đã giải ngân đạt 38,39 tỷ đồng bằng 27,0% KH vốn giao. Đối với các công trình tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều, cải tạo, nạo vét công trình thủy lợi năm 2013 số vốn là 212 tỷ đồng, đã giải ngân được 134 tỷ đồng đạt 63% KH vốn giao. Đối với Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích (xã Thuần Mỹ), là dự án trọng điểm giai đoạn 2011 – 2015, đến nay đã triển khai GPMB ở 4 xã với tổng số vốn là 280 tỷ đồng, thi công được ¾ gói thầu; năm 2013, vốn TP giao 20 tỷ đồng, đã giải ngân 16 tỷ bằng 81% KH; vốn trái phiếu Chính phủ, giao 337 tỷ đồng, giải ngân được 184 tỷ đồng, đạt 55% KH vốn giao. Ngoài ra, TP đã phê duyệt Dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, với tổng mức tổng đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Theo kế hoạch vốn năm nay, dự án này được bố trí vốn 4,5 tỷ đồng từ nguồn XDCB, 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, mới giải ngân được 2 tỷ đồng….Thành phố đang tập trung vào một số dự án xử lý cấp bách, như dự án xử lý sạt lở bờ hữu sông Đáy ở 2 xã Vạn kim và Đại Hưng, huyện Mỹ Đức. Dự án xử lý sạt lở bờ hữu sông Đà, huyện Ba Vì, sạt lở khu vực xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ. Theo các đại biểu, nhìn chung tiến độ giải ngân các công trình, dự án phục vụ ngành nông nghiệp còn chậm. Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt cho rằng, một số dự án trọng điểm chậm giải ngân là do các đơn vị, địa phương chưa tập trung vào cuộc quyết liệt, nhiều đơn vị còn lơ là trong việc báo cáo tiến độ. Để khắc phục tình trạng trên, Phó Chủ tịch yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, đây là khâu quan trọng trong việc giải ngân vốn đầu tư XDCB. Đối với các chủ đầu tư cần tăng cường trách nhiệm, duy trì cơ chế báo cáo hàng tháng với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, khâu nào khó khăn, vướng mắc tìm giải pháp khắc phục. Đối với Sở NN & PTNT cần tích cực lên kế hoạch khảo sát kè hai bên bờ sông Hồng khu vực đi qua nội đô để đảm bảo cảnh quan cũng như khu vực lòng sông. Năm 2014, tập trung đầu tư cho những điểm đê kè có nguy cơ sạt lở để tránh phải bố trí các dự án khẩn cấp, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.