Ngành thuế vào cuộc vụ giao dịch “lan đột biến” tiền tỷ tại tỉnh Nghệ An

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi xác minh rõ địa điểm, cá nhân liên quan tới cuộc giao dịch “lan đột biến” tại xã Mã Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An), lực lượng Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ An II đã vào cuộc.

Cây lan được giao dịch tiền tỷ. Ảnh cắt từ video
Mạng xã hội facebook hôm nay (30/3) lại khiến dư luận tại tỉnh Nghệ An nóng lên trước một cuộc giao dịch liên quan tới “lan đột biến” với giá trị chuyển nhượng lên tới 1,650 triệu đồng. Thương vụ giao dịch này sau khi được quay video và đăng lên mạng xã hội đã khiến dư luận quan tâm.
Nhìn cá thể Lan (đang ở giai đoạn ky, mầm) trong cuộc giao dịch cho thấy, cao chỉ tầm 7cm trong chậu nhỏ được những người trực tiếp giao dịch nói rõ là Lan Hồng Bồng Lai. Sau màn “tuyên bố giao dịch”, bên mua đã “xuống tiền mặt” ngay tại chỗ trước sự chứng kiến của nhiều người dân địa phương.
Cuộc giao dịch này diễn ra tại xã Mã Thành, huyện Yên Thành. Ngay sau khi nắm bắt thông tin, phía Chi cục thuế Bắc Nghệ An II đã xuống trực tiếp nhà người bán để làm việc. Qua xác minh nắm được việc giao dịch là có thật và cá thể lan đó do gia đình anh L. mua về trồng, nay bán lại cho anh C.
“Sau khi nắm bắt vụ việc, tôi cũng đã cho cán bộ thuế xuống tận nơi, xác minh, làm biên bản, giao dịch là có thật. Tuy nhiên, do là sản phẩm nông nghiệp, tự trồng nên không thuộc đối tượng chịu thuế. Còn việc mua bán, kinh doanh thương mại thì phải chịu thuế. Tôi cũng đã có thông tin trao đổi với phía Công an huyện, phía Công an cũng đã lấy hồ sơ bên thuế để làm việc với chủ hộ” - ông Bạch Hưng Đại - Chi cục trưởng thuế Bắc Nghệ An II trao đổi.
Liên quan tới câu chuyện quản lý thuế trong vấn đề giao dịch “lan đột biến” với những số tiền khủng lên tới hàng tỷ đồng. Vừa qua, Tổng cục Thuế cũng đã có Công văn 833/TCT-DNNCN ngày 25/3/2021 về quản lý thuế đối với giao dịch "Lan đột biến".
Theo đó, trong trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác ở khâu kinh doanh thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo mức thuế suất 5%.
Trường hợp lan đột biến do doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế giá trị gia tăng theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.
 Số tiền được bày sẵn tại cuộc giao dịch lan đột biến.
Về chính sách thuế giá trị gia tăng, trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán lan đột biến thì thuộc đối tượng phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Trường hợp tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán lan đột biến đáp ứng quy định tại Khoản 1, Điều 4 Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 3/6/2008 (được sửa đổi tại Khoản 2, Điều 1 Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật vê thuế) thì được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định.
Nếu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có phát sinh giao dịch mua bán lan đột biến thuộc diện điều chỉnh của thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về hoạt động kinh doanh với thuế suất thuế giá trị gia tăng 1% và thuế thu nhập cá nhân 0,5%.
Còn đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác thì sản phẩm nông nghiệp trong trường hợp này không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định.
Trong quá trình thực hiện nếu có phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển cơ quan chức năng có liên quan xử lý theo quy định của pháp luật.