Vào “Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực gia đình” hàng năm, Liên hợp quốc đã kêu gọi các chính phủ, các tổ chức, các cá nhân trên khắp thế giới tổ chức phát động các chiến dịch thắp sáng ngọn lửa đấu tranh xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Mặc dù thế giới đã có nhiều cố gắng trong việc phòng chống bạo lực với phụ nữ, nhưng trên thực tế, bạo lực vẫn tiếp tục gây ra những đau đớn về thể xác, tinh thần, cướp đi sinh mạng của nhiều người, vi phạm nghiêm trọng đến quyền được sống - quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người.
Hoạt động hưởng ứng "Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực gia đình" (Ảnh: Báo Bến Tre)
Hiện nay, trên toàn cầu cứ ba người phụ nữ thì có một người bị đánh đập, bị ép buộc tình dục hoặc lạm dụng theo cách này hay cách khác. Điều này thường do chính người thân quen như chồng hay thành viên nam giới trong gia đình người phụ nữ gây ra.
Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới với các phụ nữ từ 15 tuổi - 49 tuổi tại 10 nước đang phát triển cho thấy 15% phụ nữ tại Nhật Bản, 70% phụ nữ tại Ethiopia và Peru đã từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục do chính người bạn đời của mình. 40% phụ nữ tại Nam Phi, 30% phụ nữ nông thôn ở Bangladesh cho biết, lần quan hệ tình dục đầu tiên của họ là bị ép buộc.
Trong những năm qua, Liên hợp quốc và các nước trên thế giới đã có nhiều nỗ lực phòng chống bạo lực đối với phụ nữ. Hiện nay đã có trên 85 quốc gia có các quy định pháp luật về chống bạo lực gia đình, trong đó có trên 60 nước có ban hành luật riêng. Các hoạt động thường chỉ tập trung tác động vào phụ nữ, chính bởi vậy, Liên hợp quốc cho rằng, trong thời gian tới, thế giới cần quan tâm hơn nữa trong việc thu hút nam giới tham gia vào phòng chống bạo lực gia đình.
Bà Mandeep K.OBrien, Quyền Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam nói: “Có rất nhiều bằng chứng trên thế giới cho thấy rằng, khi nam giới và trẻ em trai cam kết chấm dứt bạo lực gia đình thì các chương trình sẽ đạt được hiệu quả rất tốt. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ là đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã rất thành công khi đưa ra một chiến dịch giáo dục cho các cảnh sát kỹ năng xử lý các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình. Và hiện nay, chương trình này đã phổ biến ở tất cả các học viện cảnh sát của đất nước này”.
Hiện nay Liên hợp quốc cũng đang khuyến khích các nước có nhiều hình thức sáng tạo và hiệu quả hơn nữa trong các hoạt động phòng chống bạo lực gia đình. Ví dụ như sử dụng âm nhạc để lôi cuốn sự quan tâm của đông đảo cộng đồng đến vấn đề đầy ý nghĩa nhân văn này.