Từ sáng sớm, khuôn viên ĐH Bách khoa đã chật kín người tham dự, đông hơn rất nhiều so với ngày hội 2017. Điều này cho thấy các em ngày càng có ý thức hơn về vai trò tư vấn và hướng nghiệp.
|
Gian hàng của các trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Ngoại thương... thu hút nhiều thí sinh và phụ huynh nhờ tư vấn giải đáp. |
Tại thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa công bố quy chế tuyển sinh khiến nhiều thí sinh lo lắng, gửi câu hỏi đến Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Phụng. Bà Phụng cho biết: Quy chế tuyển sinh năm nay không có nhiều thay đổi so với năm 2017. Tuy nhiên, thí sinh nên chú ý những sửa đổi lớn như giảm điểm ưu tiên khu vực từ 0,5 xuống còn 0,25. Theo đó, thí sinh khu vực (KV) 1 có điểm ưu tiên giảm còn 0,75 điểm, KV2 – nông thôn 0,5 điểm và KV2 là 0,25 điểm.
Năm nay, Bộ GD&ĐT không quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chung trong cả nước. Trừ ngành đào tạo giáo viên, còn các ngành khác, quyền quy định ngưỡng đảm bảo đầu vào giao cho các trường. Điểm mới nữa là Bộ GD&ĐT yêu cầu tất cả các trường đưa vào đề án tuyển sinh tỷ lệ việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp của các ngành đào tạo.
Ngành nhiều việc làm hấp dẫn thí sinhNếu như năm trước, nhiều thí sinh muốn tư vấn chọn ngành, chưa quyết định, thì nay nhiều em đã định hướng chọn trường, chọn ngành trước khi đến tham gia ngày hội. Vì thế, nhiều câu hỏi gửi đến chuyên gia rất thẳng thắn, ví như: Chọn ngành nào trong khối ngành quân đội để có cơ hội thăng tiến nhanh? Hơn thế, các ngành đào tạo về kỹ thuật, kinh tế, công nghệ thông tin… mà xã hội đang và trong tương lai sẽ cần nhiều nhân lực cũng được nhiều thí sinh quan tâm đặt câu hỏi.
Chuyên gia tư vấn trường ĐH Y Hà Nội liên tục nhận được nhiều câu hỏi từ chỉ tiêu cho từng ngành, phương thức tuyển sinh. Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Y Hà Nội Lê Đình Tùng cho biết: Năm nay nhà trường vẫn thực hiện phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả thi THPT quốc gia 2018 và xét tuyển thẳng. Trong đề án tuyển sinh của trường, tỷ lệ tuyển thẳng sẽ xem xét tăng lên 15%.
“Dựa trên kết quả học tập của sinh viên, chúng tôi phân tích trong nhiều năm, những em được tuyển thẳng có xu hướng cao hơn so với các em trúng tuyển từ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia”. Và có thể trước ngày 20/3, Hội đồng tuyển sinh của trường sẽ họp thống nhất xem xét kết quả kỳ thi môn Vật lý, Công nghệ thông tin, thi tiếng Anh quốc gia cho một số ngành đào tạo.
Năm nay, khối giáo dục nghề nghiệp cũng được nhiều thí sinh quan tâm chọn trường tốt, có việc làm ngay và làm thế nào để học được những ngành nghề có tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chia sẻ về sự thay đổi của các trường đào tạo nghề, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội Đồng Văn Ngọc cho biết, năm nay, tuyển sinh của trường nghề gắn với việc làm và DN. Do vậy, rất nhiều giải pháp được đưa ra như ký hợp đồng với DN trước khi tuyển sinh. Có trường mời DN tài trợ học bổng để sinh viên không phải đóng học phí. Một số trường ký cam kết việc làm với sinh viên.
Theo đó, sinh viên lớp chất lượng cao sẽ được ký cam kết việc làm 7 triệu đồng trở lên/tháng sau khi tốt nghiệp; Những lớp đại trà là 5 triệu đồng trở lên, nếu sinh viên không có việc làm, nhà trường trả lại toàn bộ chi phí đào tạo.