71 năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, làng chài Võng La, xã Võng La, huyện Đông Anh, một An toàn khu (ATK) kiên trung bên sông Hồng đã thực sự đổi mới với những nếp nhà khang trang và cuộc sống đủ đầy. Nơi lưu dấu lịch sử Theo chân Trưởng thôn Võng La Nguyễn Thế Tiến, chúng tôi tìm gặp ông Vũ Thế Công (92 tuổi), một trong số ít những thanh niên dũng cảm tham gia kháng chiến giành chính quyền năm 1945 còn sống cho đến nay. Ông Công từng là Bí thư Đảng ủy xã những năm 1961 – 1963.
Ông kể, ngày 3/11/1942, chi bộ Đảng làng Chài (Võng La) – tiền thân của Đảng bộ xã Võng La ngày nay, cũng chính là chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Đông Anh được thành lập do đồng chí Hoàng Văn Thụ trực tiếp tổ chức và rèn luyện. Ở vào thời điểm ấy, Võng La được xây dựng là ATK, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng đã đến ở và làm việc tại đây. “Các đồng chí ấy về hoạt động bí mật, ở một vài ngày rồi lại đi nhưng luôn khơi nguồn khí thế cho phong trào cách mạng của địa phương” – ông Công nhớ lại. Thời kỳ 1941 – 1945 là một trong những giai đoạn hào hùng của lịch sử Võng La khi trở thành cơ sở hoạt động tích cực ở ATK Đông Anh. Chính tại nơi đây đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của Đảng bàn bạc và quyết định những vấn đề liên quan đến vận mệnh của dân tộc. Đơn cử như tháng 2/1943, tại Võng La, Ban Thường vụ T.Ư Đảng họp bàn mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất, xúc tiến khởi nghĩa vũ trang và thông qua Đề cương văn hóa cứu quốc. Võng La cũng là thôn đầu tiên thành lập đội tự vệ chiến đấu lấy tên là Đội tự vệ anh Thăng (theo bí danh của đồng chí Hoàng Văn Thụ). Ông Công chia sẻ, những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi là quãng thời gian không thể nào quên trong cuộc đời. Ông Công cũng trực tiếp tham gia dán áp phích, rải truyền đơn kêu gọi tham gia kháng chiến. Tháng 6/1945, Chi bộ Đảng làng Chài đã đứng ra lãnh đạo Nhân dân phá kho thóc của chủ thầu Đức Xương, cứu đói cho hàng trăm người khiến cho tinh thần của người dân vô cùng phấn khởi. Ngày 21/8/1945, ông Công cùng hàng trăm người dân đã tiến hành biểu tình, khởi nghĩa giành chính quyền huyện Đông Anh. Trên đường đổi mới Võng La được phù sa sông Hồng bồi đắp nên có tiềm năng phát triển một nền nông nghiệp đa dạng. Tuy nhiên, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô, xã Võng La đã bị thu hồi cơ bản diện tích đất nông nghiệp phục vụ phát triển Khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Giờ đây, đứng từ triền đê sông Hồng nhìn xuống làng chài Võng La, lọt vào tầm mắt là những ngôi nhà cao tầng khang trang lợp tôn, lợp ngói đỏ tươi. Những con đường bê tông chạy xuyên qua làng góp phần tô thêm mảng màu tươi mới cho bức tranh làng quê nông thôn mới (NTM). Ông Phan Hữu Thiết – Bí thư Chi bộ Võng La chia sẻ, khi Đề án xây dựng NTM của xã được thông qua, thôn đã tổ chức nhiều hội nghị để tuyên truyền và phát động phong trào “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”. Một lần nữa, người dân Võng La đã chứng tỏ tinh thần “đoàn kết là sức mạnh” khi các hộ gia đình chung tay, góp sức xây dựng NTM bằng rất nhiều công việc cụ thể, từ xây dựng hành lang an toàn kênh Ấp Bắc đến làm đường giao thông nông thôn, tu sửa nhà cửa hay tham gia vào quản lý, giám sát thi công các công trình. Trong đó, nổi bật như công trình cổng làng chài Võng La được xây dựng như biểu tượng của làng với kinh phí người dân đóng góp trên 100 triệu đồng. Rồi tuyến đường ra khu nghĩa trang cũng được cứng hóa nhờ vào nguồn đóng góp hơn 500 triệu đồng. Ông Phan Hữu Thiết vui mừng cho biết, cái được lớn nhất từ NTM là nhận thức, trách nhiệm với cộng đồng của người dân ngày được nâng lên. Thôn có 520 hộ dân với trên 2.200 nhân khẩu, trong đó số hộ nghèo và cận nghèo còn lại rất ít. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày một được nâng cao với sự ra đời của các câu lạc bộ thơ ca, bóng chuyền, cầu lông… sinh hoạt khá đều đặn. Thành quả của thôn Võng La đã góp phần không nhỏ đưa xã Võng La về đích NTM trong năm 2015. Trò chuyện với chúng tôi, hai vị cán bộ thôn Võng La cho biết, trăn trở của địa phương hiện nay là nhu cầu việc làm cho người dân vẫn còn lớn do không còn đất canh tác. Bên cạnh đó, dù là địa danh cách mạng, song Võng La chưa được đầu tư thích đáng như nhiều “địa chỉ đỏ” khác. Nhà truyền thống còn thiếu thốn cơ sở vật chất, trong khi chùa Bạch Sam, một cơ sở cách mạng quan trọng thời kháng chiến cũng đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Do đó, mong ước của lãnh đạo và người dân trong thôn là được Nhà nước quan tâm đầu tư nâng cấp, bảo tồn, gìn giữ một địa danh lịch sử quan trọng của Thủ đô.