Ngày Sở hữu trí tuệ 2020 có gì đặc biệt

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với chủ đề "Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh", Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 đặt đổi mới sáng tạo - và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ đổi mới sáng tạo - là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới

Theo tuyên bố tại cuộc họp của Đại hội đồng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tháng 9/1998 về việc thiết lập một sự kiện để tôn vinh sở hữu trí tuệ, ngày 7/4/1999, Giám đốc Cơ quan Sở hữu công nghiệp quốc gia Angeria đã có đề xuất chọn một ngày trong năm để kỷ niệm "Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới" nhằm thiết lập một khuôn khổ cho việc khuyến khích và nâng cao nhận thức, mở ra không gian mới cho hoạt động đổi mới và công nhận những thành quả của những người tạo ra tài sản trí tuệ trên phạm vi toàn thế giới.

Từ năm 2000, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới lựa chọn lấy ngày 26/4 hàng năm là Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới nhằm tri ân, tôn vinh các nhà sáng tạo, đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của sở hữu trí tuệ trong cuộc sống hàng ngày.

Từ đó, "Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới" trở thành ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển chung của toàn nhân loại vì cuộc sống con người.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới được kỷ niệm nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về ảnh hưởng của các bằng sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu hàng hóa và kiểu dáng công nghiệp... tới cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Thêm vào đó, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới cũng là dịp để mọi người hiểu rõ hơn về vai trò của việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy hoạt động sáng tạo và đổi mới; cũng như để tôn vinh hoạt động sáng tạo và những thành quả mà các nhà sáng chế đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu và khuyến khích tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới là một cơ hội lớn để thu hút mối quan tâm của công chúng cũng như các phương tiện truyền thông tới các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ. Từ năm 2001 đến nay, mỗi năm, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới đều có một chủ đề riêng xoay quanh hoạt động sáng tạo và đổi mới.

Mỗi năm sẽ có một thông điệp hoặc chủ đề được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới đưa ra chào mừng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới. Ví dụ như: Năm 2013, Tổ chức Sở hữu trí tuệ đưa ra thông điệp "Sáng tạo: Trách nhiệm của thế hệ trẻ" với lời nhắn nhủ thế hệ trẻ - những người chủ của tương lai cần ý thức được vai trò của sở hữu trí tuệ trong sáng tạo và đổi mới. Năm 2018, nhằm tôn vinh những đóng góp của phụ nữ trong hoạt động đổi mới sáng tạo, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới chọn chủ đề: "Tiếp sức cho những thay đổi - Phụ nữ với hoạt động đổi mới sáng tạo". Năm 2019, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới truyền đi thông điệp: "Đường tới Huy chương vàng - Sở hữu trí tuệ và thể thao" để tôn vinh những huyền thoại thể thao và tất cả những người đang sáng tạo phía sau hậu trường góp phần nâng cao thành tích thi đấu, làm tăng sức hấp dẫn của các giải thể thao trên toàn thế giới...

Như vậy, trong suốt các năm, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới đã luôn kiên trì với mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sáng tạo và tạo điều kiện chuyển giao công nghệ liên quan đến sở hữu trí tuệ sang các nước đang phát triển để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới.

Sở hữu trí tuệ tạo ra tầm nhìn về tương lai xanh

Năm 2020, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới được kỷ niệm với chủ đề: "Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh".

Chiến dịch cho Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2020 đặt đổi mới sáng tạo - và các quyền sở hữu trí tuệ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo - là trung tâm của những nỗ lực tạo ra một tương lai xanh.

Chọn chủ đề "Đổi mới sáng tạo vì một tương lai xanh", Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới muốn tôn vinh các nhà sáng chế, các nhà khoa học đã phát minh những thành tựu tiên tiến cho nhân loại và truyền cảm hứng trên khắp thế giới. Đó là những người đã nghiên cứu, sáng tạo ra những công nghệ mới không sử dụng nhiên liệu hóa thạch, các hệ thống kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phát triển năng lượng tái tạo, tạo ra giống cây có năng suất chất lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, vật liệu thân thiện với môi sinh... giúp "xanh hóa" cuộc sống. Ngoài ra, còn có những người đang sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để hỗ trợ công việc của họ cũng như tiếp thu và sử dụng trong cộng đồng.

Một hệ thống sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển và phổ biến các công nghệ thân thiện với môi trường góp phần xây dựng một xã hội bền vững; Các doanh nghiệp dựa trên các nguyên tắc bền vững về môi trường sẽ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Các làng nghề không chỉ tập trung vào sản xuất kinh doanh mà phải đầu tư xây dựng các hệ thống bảo vệ môi trường, xử lý chất thải...

Người nông dân cũng được khuyến khích sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đảm bảo an ninh lương thực. Người dân cũng thực hiện lối sống thông minh, tiêu thụ có ý thức, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước... để cùng nhau góp phần bảo vệ Trái đất. Sở hữu trí tuệ cũng giúp những nhà sáng tạo, thông qua các tác phẩm được bảo hộ của mình, tạo ra tầm nhìn về một tương lai xanh.

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay là dịp để cộng đồng quốc tế cùng tôn vinh sự sáng tạo trên toàn thế giới vì tương lai xanh, cũng như suy nghĩ làm thế nào để tìm được một sự cân bằng, cho phép nhận ra vai trò của những người sáng tạo và người cách tân trong những tiến bộ đã được thực hiện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần