Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh khẳng định, Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII là ngày hội để tôn vinh thơ ca, chính là tôn vinh đất nước, tôn vinh con người và văn hóa Việt Nam. Đây là dịp để các nhà thơ trong nước và quốc tế giao hòa cởi mở và thân thiết với công chúng yêu thơ thuộc nhiều thế hệ. “Với chủ đề “Sông núi trên vai”, chúng tôi muốn gửi một thông điệp tâm huyết đến công chúng yêu thơ cả nước, đó là: các nhà thơ đặt lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc, Nhân dân lên trên hết. Tổ quốc và Nhân dân là cảm hứng, niềm say đắm và thăng hoa và trách nhiệm của các nhà thơ Việt Nam. Đặc biệt Ngày thơ năm nay vui mừng đón nhận 190 nhà thơ văn dịch giả nổi tiếng thế giới từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Họ là những sứ giả văn hóa, sứ giả hòa bình và khách quý đến dự các sự kiện” - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết.Các bài thơ chủ đề “Sông núi trên vai”, không chỉ bó hẹp nội dung đề tài về cuộc chiến bảo vệ biên giới, mà còn có thể hiểu theo nghĩa rộng, về tình yêu đất nước, vai trò, trách nhiệm của các nhà thơ và tinh thần bảo vệ Tổ quốc trong thơ ca. Nhà thơ Anh Ngọc mở đầu sân thơ bằng bài thơ “Sông núi trên vai” trích trong Trường ca cùng tên ông sáng tác năm 1977: “…Những người đi cùng thế hệ với tôi/ Sông núi trên đôi vai bé nhỏ/ Tầm vóc họ lớn hơn lịch sử/ Tầm vóc họ lớn hơn chính họ/ Bài ca về những đôi vai...”.Trong cảm hứng về thơ ca, đề tài về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã trình diễn bài thơ “Tổ quốc nơi biên thùy”. Bài thơ được ông hoàn thành vào ngày giỗ trận Vị Xuyên 12/7/2016, trong chuyến công tác cùng Hội Nhà văn Việt Nam lên Hà Giang. Những câu thơ lay động xúc cảm của đông đảo công chúng yêu thơ: “Mùa này biên giới hoa sim/ Tím quanh mộ chí im lìm các anh/ Bao người lính trận vô danh/ Hiến dâng đất nước tuổi xanh của mình…”.Nhà thơ cho biết, không phải những năm gần đây mà ngay sau khi nhận được những phản hồi tích cực khi bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” ra đời năm 2009, có thể khẳng định, giới trẻ luôn đón nhận tích cực mảng thi ca yêu nước: “Bài thơ tôi đọc hôm nay cùng những bài thơ trước đó về mảng đề tài biên giới, biển đảo Tổ quốc luôn khiến tôi thao thức, bồn chồn. Đất nước của chúng ta phải liên tục trải qua chiến tranh, trận mạc, chịu đựng nhiều nỗi đau thương".Nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Kim Nhung có mặt trên sân chơi trẻ “Mở đường bay phía trước” với nhiều cảm xúc. Nhà thơ này cho biết: “Ngày khai mạc trùng với dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Tôi thấy tự hào và có chút dự cảm thiêng liêng, rằng chúng tôi là những người tiếp bước, mặc dù không cầm súng, không qua chiến tranh, song thấy mình cần thêm trách nhiệm cống hiến tuổi trẻ và tài năng của mình phục vụ Tổ quốc".Thay vì diễn ra trên sân Thái Học, Sân thơ Trẻ 2019 diễn ra tại sân Thái Miếu, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Phần trình diễn thơ của các nhà thơ Việt Nam diễn ra trên sân khấu chính, gồm 3 tổ khúc được dẫn dắt xuyên suốt bằng tiếng đàn guitar của nghệ sĩ Tuấn Gà và tiếng piano của nghệ sĩ Trần Quang Sơn, kể một câu chuyện thơ đầy xúc cảm. Cũng tại không gian thơ trên sân Thái Miếu, công chúng còn được chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật sắp đặt ấn tượng “Điều còn thiếu?” của nghệ sĩ thị giác Doãn Hoàng Kiên với cảm hứng tươi mới, thể hiện hơi thở của cuộc sống đương đại, gợi mở nhiều suy ngẫm. Bên cạnh đó là trải nghiệm những thông tin, hình ảnh sống động về Sân thơ Trẻ các năm qua với phần mỹ thuật do họa sĩ Kim Duẩn đảm nhiệm. Mở đường bay phía trước” được chọn làm chủ đề cho Sân thơ Trẻ 2019, với những gương mặt thơ như Đoàn Văn Mật, Nguyễn Anh Vũ, Miên Di, Hoàng Anh Tuấn, Phạm Tú Anh, Nguyễn Thị Kim Nhung, Khúc Hồng Thiện, Ngô Gia Thiên An, Lý Hữu Lương… Các nhà thơ này với những cá tính sáng tạo đã cùng hòa chung trong nhịp điệu thi ca.