Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Xuân Dinh cho biết, vừa qua sau khi các hộ nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn mới thả giống cho vụ mới được ít ngày thì xảy ra hiện tượng tôm chết, một số ao nuôi chết nhiều.
Phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu cũng thông tin, người dân trên địa bàn cũng khá lo lắng trước hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt. Hầu hết xẩy ra ở các ao, đầm nuôi của các hộ dân riêng lẻ. Trước sự việc này, cơ quan chuyên môn huyện Diễn Châu cũng đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tỉnh, lấy mẫu tìm nguyên nhân.
“Tại địa bàn, qua nắm bắt thì tôm thả vụ này cũng có xuất hiện chết ở một số ao, đầm của hộ nuôi riêng lẻ. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, khuyến cáo các hộ nuôi thực hiện tốt việc bảo đảm môi trường hồ nuôi, kịp thời nắm bắt và phối hợp với các cơ quan chuyên môn làm rõ nguyên nhân và có biện pháp kịp thời khi xảy ra việc tôm chết...”, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu Trần Nam Trung nói.
Ngày 26/4, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An cũng đã có thống kê về việc tôm nuôi thương phẩm xảy ra chết tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh, trong đó có huyện Diễn Châu, huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai.
Vụ tôm năm 2024 này toàn tỉnh Nghệ An có 1.304 ha nuôi tôm thương phẩm nước lợ. Gần đây, một số vùng nuôi tại các xã Quỳnh Xuân, Quỳnh Lộc, Quỳnh Dị thuộc thị xã Hoàng Mai xuất hiện tôm bị bệnh đốm trắng với diện tích nuôi hơn 5 ha. Tại vùng nuôi Quỳnh Bảng thuộc huyện Quỳnh Lưu, Diễn Kim thuộc huyện Diễn Châu có trên 2 ha diện tích nuôi tôm có hiện tượng tôm chết chưa xác định được nguyên nhân sau khi thả giống khoảng 1 tuần.
Trước việc tôm nuôi thương phẩm nước lợ chết nhiều ở một số vùng nuôi, địa phương, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các đơn vị như Chi Cục chăn nuôi và Thú y, Chi Cục thủy sản và Kiểm ngư cũng như các địa phương nơi tập trung các vùng nuôi tôm, tăng cường công tác kiểm tra, phòng dịch bệnh trên tôm, kịp thời nắm bắt làm rõ nguyên nhân và có hướng tham mưu xử lý tránh để tôm chết nhiều gây thiệt hại cho người dân.
Tăng cường công tác kiểm dịch tôm giống xuất và nhập vào địa bàn tỉnh, đẩy mạnh công tác kiêm tra chất lượng thuốc thú y thủy sản. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin quan trắc môi trường vùng nuôi tôm, kịp thời khuyến cáo, xử lý tốt môi trường nuôi tôm khi xuất hiện các điều kiện bất lợi từ môi trường ảnh hưởng đến tôm, giảm thiểu thiệt hại...
Trao đổi với phóng viên, Phó Chi Cục Thủy sản và Kiểm ngư thuộc sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Nghệ An Lê Văn Hướng cho, đến thời điểm này thì vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân, loại bệnh khiến tôm vừa thả vụ mới ở một số địa phương trong tỉnh xảy ra chết. Hiện nay đơn vị cũng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, kiểm tra từng vùng nuôi, lấy mẫu, kiểm tra xác định rõ nguyên nhân để kịp thời có giải pháp.