Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghề cho thuê lại nhà khốn đốn trong mùa dịch

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua có rất nhiều tổ chức, cá nhân phát triển mô hình kinh doanh theo hình thức thuê nhà hoặc mặt bằng để sử dụng cho thuê lại. Nhưng với việc phải thực hiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, khiến hoạt động cho thuê lại gặp nhiều khó khăn, đáng chú ý một số người còn phải đi vay lãi ngân hàng để chi trả tiền thuê.

Kinh doanh thua lỗ
Anh Lê Đức Giang, trú tại khu chung cư Vĩnh Hoàng, phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cách đây 3 năm anh thuê một căn hộ trong khu tập thể trên phố Hàng Trống (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau đó đầu tư thêm gần 100 triệu để sửa sang, mua sắm nội thất phục vụ nhu cầu lưu trú ngắn hạn của khách du lịch trong nước, quốc tế. Thời gian đầu công việc kinh doanh thuận lợi, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, khách du lịch quốc tế không được nhập cảnh vào Việt Nam, khách trong nước cũng hạn chế đi lại trong mùa dịch, vì vậy đã mất nguồn thu từ khoản đầu tư này.
“Thời điểm năm ngoái (năm 2020) bình quân mỗi tháng tôi vẫn bán được từ 7 - 10 ngày, tiền thuê nhà phải nộp 6 tháng/lần, vào thời điểm cuối năm tưởng chừng dịch bệnh tạm ổn, nên tôi tiếp tục nộp tiền nhà để giữ lại kinh doanh. Nhưng từ đầu năm đến nay, các đợt dịch liên tiếp xảy ra, nên tôi buộc phải đóng cửa vì không có khách thuê. Và mới đây tôi đã trả lại nhà, toàn bộ tiền đầu tư ban đầu mất hết” - anh Lê Đức Giang cho hay.
Kinh doanh cho thuê lại nhà thua lỗ trong mùa dịch. (Ảnh: Phạm Đông).
Tương tự là trường hợp của anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại số 42/133 Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), anh Sơn thuê trọn gói một căn nhà 5 tầng, với 10 phòng được xây dựng khép kín. Một phòng vợ chồng anh cùng đứa con nhỏ đang ở, 9 phòng còn lại anh kinh doanh cho thuê, đối tượng chủ yếu là người làm nghề tự do, nhân viên chạy taxi, bán hàng siêu thị... Tuy nhiên, từ tháng 4/2021 đến nay anh phải liên tục chạy vạy vay mượn để trả tiền nhà, rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”, vì nếu trả lại nhà đi chỗ khác thuê lúc này có thể sẽ bị mất trắng mấy tháng tiền cho thuê vì người thuê chưa trở lại Hà Nội do giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, đồng thời cũng bị mất luôn cả tiền đặt cọc khi ký hợp đồng thuê.
“Vợ chồng tôi đều là lao động hợp đồng trong một đơn vị sự nghiệp, đồng lương ít ỏi phải đi thuê nhà. Lúc đầu tôi nghĩ thuê căn nhà này rồi cho thuê lại kiếm một ít thu nhập và không phải mất thêm tiền thuê nhà. Nhưng mấy tháng nay giãn cách xã hội, người lao động không có việc làm, một số ít vẫn ở lại, còn đa phần đều về quê không thể thu được tiền nhà, nên đành phải bấm bụng đi vay mượn để trả tiền thuê cho chủ” - anh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp thuê nhà sau đó kinh doanh cho thuê lại, đang gặp “khốn đốn” trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến ngày một phức tạp, người làm nhỏ mất ít, người làm lớn mất nhiều, dich bệnh không chừa bất cứ ai ở thời điểm này.
Lại khó... về cơ chế
Số liệu nghiên cứu từ một số doanh nghiệp vận hành kinh doanh cho thuê bất động sản (BĐS), dịch Covid-19 đang tiếp tục tác động tiêu cực đối với hoạt động kinh doanh cho thuê nhà, mặt bằng. Năm 2020, doanh số cho thuê hàng tháng bị sụt giảm khoảng 50%, từ đầu năm 2021 đến nay, diễn biến dịch bệnh theo chiều hướng phức tạp hơn, dự báo người kinh doanh mảng này có thể thất thu đến 70 - 80%, thậm chí nhiều người sẽ bị “âm”.
Đại diện UBND phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, hoạt động kinh doanh cho thuê nhà, mặt bằng trên địa bàn thời gian quan phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật kể cả cá nhân hay tổ chức.
“Tổ chức, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh cho thuê đều phải đều phải đăng ký với cơ quan chức năng, hồ sơ đăng ký làm cơ sở để chúng tôi quản lý, nhóm đối tượng này đóng thuế doanh nghiệp theo quy định. Riêng đối với cá nhân kinh doanh quy mô nhỏ, chúng tôi hướng dẫn đăng ký theo hộ gia đình và phải đóng thuế môn bài” - đại diện UBND phường Hàng Trống cho hay.
Theo Luật sư Trịnh Hữu Đức - Văn phòng Luật sư Hàm Rồng, cho thuê nhà hay mặt bằng là hoạt động thương mại phải đăng ký kinh doanh theo luật, trường hợp không đăng ký sẽ bị phạt tiền đối đa lên tới 5 triệu đồng, nếu tiếp tục vi phạm sẽ phạt tối đa 10 triệu đồng và bị đình chỉ kinh doanh.
Tuy nhiên, vấn đề khó đối với những người kinh doanh cho thuê nhà hiện nay từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 40/2021/TT-BTC, hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2021, quy định tổng doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của hợp đồng cho thuê tài sản trên 100 triệu đồng trở lên phải đóng thuế khoảng 10%.
“Tôi cho rằng, mức đánh thuê như vậy chưa khuyến khích phát triển thị trường cho thuê ở đô thị lớn hiện nay, trong khi đó nhu cầu là rất lớn do đối tượng là những chuyên gia nước ngoài, lực lượng lao động ngoại tỉnh tập trung ở đô thị lớn rất nhiều” - Luật sư Trịnh Hữu Đức nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhìn nhận, quy định về doanh thu phát sinh trong năm dương lịch của hợp đồng cho thuê nhà 10 triệu đồng/tháng, được hiểu, cá nhân cho thuê nhà mà bình quân tháng cho thuê từ 8,33 triệu đồng trở lên thì thuộc diện phải nộp thuế, bất kể cho thuê nhà đủ hoặc không đủ 12 tháng trong năm dương lịch.
"Đối với đô thị loại đặc biệt, loại 1, 2 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư và xây dựng nhà ở để cho thuê, nhưng trên thực tế thị trường nhà cho thuê vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của người nước ngoài, công nhân lao động, người nhập cư, hoặc cho thuê nhà, một phần nhà làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Do vậy quy định này không phù hợp, đặc biệt với hoàn cảnh dịch Covid-19 như hiện nay và đề xuất nâng mức đánh thuế lên 200 triệu đồng/năm" - ông Lê Hoàng Châu nói.

"Trong lúc dịch bệnh như hiện nay, phân khúc cho thuê nhà ở, mặt bằng kinh doanh đối diện với nhiều thách thức, nguy cơ nhà đầu tư bỏ rơi thị trường rất cao. Việc Nhà nước yêu cầu đóng thuế đối với những nhà, căn hộ cho thuê hoàn toàn cần thiết và phù hợp, nhưng cũng không khỏi lo ngại về những tác động tiêu cực đến thị trường." - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính.

"Số liệu khảo sát thị trường của chúng tôi cho thấy, lợi nhuận kinh doanh cho thuê nhà ở Hà Nội trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay dao động từ 4 - 4,2% năm.  Còn thấp hơn mức lãi suất ngân hàng, do đó nhiều người đã lựa chọn kênh đầu tư an toàn hơn, thay vì bỏ tiền ra thuê nhà rồi kinh doanh cho thuê lại gặp nhiều rủi ro như hiện nay." - Chuyên gia tài chính Nguyễn Huy Thành.