KTĐT - “1, 2,3 vẫy thôi”- tiếng của Thanh Thủy, trưởng nhóm khẽ reo lên mỗi khi có một pha tấn công trên sân.
Có những bạn gái, phần lớn là nữ sinh viên đang chấp nhận làm thêm để kiếm tiền mưu sinh, ăn học tại mảnh đất Sài thành. Nhưng để kiếm được đồng tiền nào đâu phải dễ, nào thoát khỏi những cạm bẫy vây quanh.
Vài năm qua, Cheerleader (tạm dịch là người dẫn dắt cổ vũ) trở thành một nghề thông dụng hơn đối với cánh sinh viên, nhất là nữ giới. Và tại các buổi ghi hình của truyền hình, các hoạt động thể thao khác... đội ngũ này đã đóng vai trò vào sự thành công của ban tổ chức. Vì để tạo thêm “không khí” cho những cuộc vui nên người tham gia nghề này là những cô gái có dung nhan khá ưa nhìn. Dù vậy, để kiếm được tiền không phải dễ dàng.
“1, 2, 3 vẫy thôi...”
2h chiều. Sân QK 7 đang ngập tràn trong tiếng reo hò của các khán giả nhí tại một buổi khai mạc giải bóng đá thì những cô gái trong bộ váy xòe đẹp xinh màu xanh bước ra sân có mái che để làm “nhiệm vụ”. Đó là trước trận khai mạc giải.
Tiếng còi của trọng tài bắt đầu cũng là lúc đội hình gồm 10 cô gái đứng dàn hàng ngang, tay cầm những bông hoa xòe làm bằng nhựa tung vẩy lên cao thật đẹp. “1, 2,3 vẫy thôi”- tiếng của Thanh Thủy, trưởng nhóm khẽ reo lên mỗi khi có một pha tấn công trên sân. Và lúc này, khán giả trên khắp các khán đài cũng òa reo lên theo các cô gái. Cứ thế, trận đấu căng thẳng, sôi nổi hòa lẫn với sự dẫn dắt cổ động của các cô gái duyên dáng.
Giữa hai hiệp đấu, Thanh Thủy, Hà Thủy, Thanh Phượng cùng các bạn vội chụp lấy những chai nước suối để tiếp nước mà còn cổ vũ cho đến hết trận và những trận đấu tiếp theo của ngày.
Trưởng nhóm Trần Thanh Thủy, hiện là sinh viên năm 3, Học viện Hành chính QG trong những lần đi làm thêm cho công ty MC- nhà tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, có trụ sở trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10) đã được công ty gọi để làm nhiệm vụ mới này. Tuy đã “kinh qua” nhiều công việc của nữ giới làm thêm như đứng tiếp thị tại siêu thị, tiếp thị sản phẩm... Nhưng công việc dẫn dắt cổ vũ này là lần đầu tiên bạn tham gia. “Tuy bỡ ngỡ, ai cũng nhìn chằm chằm nhưng mình thấy vui lắm”- cô gái từ xứ sở cà phê Đắk Lắk xuống Sài Gòn trọ học này tâm sự.
Quê Hải Phòng, Đoàn Thị Hà Thủy, đang học năm 3, ĐH Kinh tế cũng lần đầu tiên làm công việc này, dù bạn đã từng làm thêm nhiều việc khác. Thủy tâm sự: “Làm công việc này, mỗi người tụi mình phải ý thức được công việc, bởi nếu mình không “máu” lên thì những người xung quanh cũng sẽ cổ vũ yếu nhớt mà thôi”.
Khác với các bạn đồng nghiệp, Thanh Phượng rất rụt rè khi giới thiệu về bản thân cũng như công việc. Từng đứng quầy tại siêu thị, đi tiếp thị... Song nếu công ty cần là bạn nhanh chóng đáp ứng ngay, nhất là công việc dẫn dắt cổ vũ này. Trong nhóm nhân viên, Thanh Phượng là người có nhiều kinh nghiệm nhất khi đã từng làm ở rất nhiều nơi và rất nhiều... công ty.
4h được 100.000đ
Giá chấm công mỗi ngày của công việc này là 100.000đ trong 4h, một mức giá khá cao so với các công việc làm thêm thường kéo dài 6h nên rất được các bạn gái trẻ đón nhận như một nghề làm ra tiền, để phụ giúp vào tiền ăn học xa nhà. “Mỗi công việc, mỗi chương trình làm thêm đều có sướng, khổ khác nhau!”- Thủy tâm sự.
Cheerleader- Nghề dẫn dắt cổ vũ thường chỉ diễn ra vài ngày, gọi là công việc thời vụ nên không mất nhiều thời gian lắm, tiền lại khá cao nên rất được các bạn nữ sinh viên “ưa chuộng”. Những thời điểm thi học kỳ diễn ra căng thẳng, nhiều “ét- vê” phải vắt chân lên vừa học, vừa làm. “Cũng may, tụi mình học buổi sáng, buổi chiều tranh thủ đi làm kiếm thêm, tối về lại sáng đèn với sách vở. Phải biết bố trí nhiều chứ!”- Hằng, SV ĐHKHXH&NV, một Cheerleader khác chia sẻ “bí kíp” của riêng mình.
Những trang phục đẹp xinh của các Cheerleader làm tôn màu sắc từng chương trình đều do các công ty tự thiết kế, may sẵn và phát cho các nhân viên. Để có trang phục đó, các bạn phải luôn tay, luôn chân và cả luôn... miệng nhảy múa, hò hét đến khản cả giọng. Nhiều đêm về nhà, người mệt quá nên các bạn chỉ kịp... lăn ra ngủ.
Lại gặp các “Cheer” tại sân QK7, lần này là trong một giải đấu khác. “Dàn đồng ca” vẫn với mười gương mặt cũ hôm nào. Dung- một thành viên mới tâm sự: “Do Ban tổ chức không yêu cầu trang phục gắt gao nên tụi em “dễ thở” hơn với mỗi chiếc áo thun trắng đồng phục có in tên nhà tài trợ, quần thì mặc jeans là ok!”. Thế nhưng, công việc cũng phải từ sáng đến tận quá trưa sau khi tổng kết giải.
Cũng như các đồng nghiệp, Dung tâm sự ngày đầu vào nghề cũng “quê quê làm sao ấy”, ai cũng nhìn chằm chằm, thế là cả nhóm đỏ mặt, riết rồi cũng quen dần. “Có lần, nhiều khán giả còn buông lời chọc ghẹo bọn mình, có người rất thiếu văn hóa nữa!”- trưởng nhóm Trần Thanh Thủy bộc bạch. Còn Hằng chia sẻ: “Gặp công việc vào buổi sáng, phải lo ăn trước, chứ có lần dậy muộn, “bay” đến chỗ làm, ai ngờ chương trình kéo dài thế là mình xỉu luôn... vì đói. Tốt nhất là phải “dằn bụng” ổ bánh mì, tô bún cái đã!”. Phượng thì mỉm cười bảo có lần hứng quá nhảy lên hò hét bị rớt cả... giày ra khỏi chân, may mà không ai nhìn thấy.
Ngoài vất vả ra, mỗi lần vào địa điểm thay đồ, đa số là... váy, các “Cheer” lại phải ngó trước nhìn sau bởi có quá nhiều ánh mắt “tò mò” của khán giả nam. Nhiều lần đứng cạnh khán đài, các cô gái này còn bị giễu cợt bằng những tràng cười tinh quái của khán giả.
Vỗ tay thuê
Sài Gòn là mảnh đất màu mỡ của các chương trình truyền hình. Ngay cả chương trình “Đấu trường 100” do MC – BTV Thái Tuấn của VTV đảm nhận cũng được ghi hình tại nhà thi đấu Bến Vân Đồn, Q4; các gameshow khác cũng nở rộ “như nấm sau mưa” và trở thành nơi hái ra tiền của sinh viên các trường đại học bằng nghề cheer: đi vỗ tay thuê.
Tập vỗ tay cho các chương trình truyền hình. |
Cổ vũ trong chương trình gameshow “hội tụ bất ngờ” của HTV – Đài TH TPHCM. |
“1,2,3 vỗ tay nào”. |
Dọc cầu Thị Nghè, cầu Bông (Q. Bình Thạnh), nhiều năm qua xuất hiện các xóm trọ sinh viên. Một khi cần người vỗ tay, 20-100 sinh viên sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này. Thanh Hằng, SV ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết: “Xóm trọ của em gồm 10 phòng thì phòng nào cũng có người tham gia các chương trình”.
Nhiều khán giả xem truyền hình thấy lực lượng cổ động viên rất hùng hậu, vỗ tay rất chuyên nghiệp nhưng thực chất là những người có “nghề”. Trước mọi chương trình, người phụ trách trường quay sẽ hướng dẫn rất tỉ mỉ cách vỗ tay, mỉm cười, ngồi thẳng lưng để ống kính máy quay có những thước phim hấp dẫn và sinh động nhất. Ngồi ở hàng ghế khán giả lại có một cheerlerder sẽ làm nhiệm vụ “hoạt động” bằng tay và miệng để mọi người làm theo.
Có mặt tại nhiều trường quay, với sự la hò ầm ĩ của giới vỗ tay thuê đã làm các chương trình náo nhiệt. Cho dù không khí có “lạnh” tới đâu như những ngày chịu ảnh hưởng của bão Kentana, các chương trình ghi hình đều rất “nóng” bởi khí thế hừng hực của những người thắp lửa trên các khán đài.
Những giọi mồ hôi lăn dài trên đôi gò má xinh tươi của các nữ sinh viên làm thêm, giữa thời tiết oi nồng như hiện nay. Vậy mà, những nụ cười lung linh vẫn tràn trề trên khóe môi của các Cheerleader. Nghề nào mà không có sự vất vả?