Cho đến cuốn sách ảnh ghi dấu mốc tuổi 80 này cũng vậy, vẫn cái tên giản dị cho một chủ đề thật mênh mang: “Việt Nam di tích – văn hóa – thắng cảnh”.
Gần 2 thập kỷ mong ngóng…Sau “Chùa Hương”, “Thủ đô Hà Nội”, ấn phẩm thứ 3 “Việt Nam di tích – văn hóa – thắng cảnh” là cuốn mà NSNA Hữu Nền gần như dành trọn cả cuộc đời cầm máy để sáng tác và tập hợp. Lão nghệ sĩ thật thà rằng, ông ấp ủ làm cuốn sách từ trước năm 2000, nhưng dự định dang dở vì chưa tìm được nguồn kinh phí để cho đứa con tinh thần ra với đời. Lời tựa thăm thẳm niềm mến thương mà nhà văn Băng Sơn viết cho cuốn sách cũng đã có từ năm 2000. Vậy mà giờ - khi cây bút tản văn lẫy lừng ấy đã yên nghỉ ở nơi đất mẹ 6 năm, cuốn sách với những bức ảnh được Hữu Nền chắt chiu thu lượm suốt dọc chiều dài đất nước trong hơn nửa thế kỷ mới đến được tay độc giả.
|
Tác phẩm “Hát ca trù” của NSNA Hữu Nền. |
Thế mới hiểu những ân tình và sự say mê mà người nghệ sĩ tuổi “bát thập” giấu vào trong cuốn sách. Càng hiểu hơn niềm vui khi ông được ôm trên tay “Việt Nam di tích – văn hóa – thắng cảnh”, được ký tặng bạn bè “kỷ vật” của đời cầm máy sáng tác. Đặc biệt là ngày hôm nay (22/9), ông được “khoe” với người yêu nhiếp ảnh những nỗi niềm mà ông gửi gắm trong các tác phẩm ấy bằng buổi giao lưu ra mắt cuốn sách tại 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội).
Không hẳn là một sự chiêm nghiệm, nhưng nhà văn Băng Sơn đã rất hiểu tấm chân tình mà Hữu Nền ấp iu trong tác phẩm khi viết rằng: “Nếu bạn muốn trèo lên tháp truyền hình cao dăm trăm mét hoặc đứng trên tầng thứ một trăm để ngắm cảnh, thì sẽ không thỏa mãn khi xem cuốn sách này. Nhưng nếu bạn muốn đi ngược dòng thời gian, chỉ giây lát đã được sống cùng hàng ngàn năm, chỉ ngồi trước ngọn đèn tỏa một vùng sang lung linh êm dịu mà được dọc ngang tung hoành Nam, Bắc, Đông, Tây thì ít ra cũng được rung động như mùa Xuân ngắm cảnh hoa đào, ven hồ gặp người trinh nữ, nhà nghiên cứu tìm ra chứng tích…”.
Chân tình trong mỗi bước điVẫn với phong thái bình dị hiện diện trong từng bức ảnh, lần này NSNA Hữu Nền không chỉ khơi lên trong người yêu ảnh sự rung động, mà còn là sự trân trọng. Không phải ngẫu nhiên mà NSNA Vũ Khánh – Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam nói rằng: “NSNA Hữu Nền xuất bản cuốn sách ảnh để khẳng định giá trị tư liệu đằng sau mỗi tác phẩm ảnh của người nghệ sĩ”.
Hữu Nền là vậy, nhẹ nhàng, không tô vẽ, song lại sinh động và rất chân tình. 180 bức ảnh trong cuốn sách mới được ông chụp trải dài từ Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, vào mảnh đất miền Trung nhiều nắng gió, rồi hội nhập cuộc sống của đồng bào Nam Bộ và kết thúc ở Sài Gòn hôm nay. Mỗi bức ảnh đều phản ánh một địa danh, một nét văn hóa, một sự kiện mà người nghệ sĩ trải nghiệm và tác nghiệp. Mỗi khoảnh khắc mang nội dung, hình thức thể hiện nghệ thuật riêng của tác giả, nhưng quan trọng hơn cả chính là giá trị tư liệu để lại sau này của người nghệ sĩ.
Đúng như cảm nhận của nhà văn Băng Sơn: “Cuộc hành trình vào không gian và thời gian này không cần thứ tự”, nhưng thực sự lý thú và hấp dẫn vì nghệ thuật toát lên từ sự chân thực mang theo tấm chân tình của chính tác giả. Người đương đại vẫn nói rằng “thì giờ là vàng bạc”, nhưng quả đúng là nếu bỏ chút thời gian để dạo chơi trong cuốn sách, được lắng hồn vào di tích vào danh thắng ở đây, thì hẳn khối vàng bạc khổng lồ ta thu nhận được không thể nào cân đếm được. Rõ ràng cuốn sách và triển lãm ảnh của NSNA Hữu Nền đang gánh trên vai nhiệm vụ của những tư liệu ảnh hết sức quý giá.
Mấy năm nay ông vướng bận việc nhà – đời người luôn sẵn những “hỉ, nộ, ái, ố” khiến nhiều khi người ta buộc phải gác sang một bên những đam mê. Nhưng ngơi ra được lúc nào là lão nghệ sĩ Hữu Nền lại dập dồn máy ảnh, tác phẩm, bạn sáng tác. Niềm mong đợi suốt 2 thập kỷ đã thành hiện thực, giờ ông vẫn đắm đuối với đam mê nhiếp ảnh, vẫn là hội viên tích cực của Câu lạc bộ nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội để thường xuyên góp mặt trong góc ảnh “Hà Nội trong tôi” trên báo Kinh tế & Đô thị.