Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ sĩ piano Phó An My: Không định làm náo loạn nghệ thuật cổ truyền

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo học âm nhạc cổ điển trong 8 năm tại Đức, trở về Việt Nam, nghệ sĩ piano Phó An My lại chọn cho mình con đường kết hợp âm nhạc cổ điển phương Tây và âm nhạc truyền thống Việt Nam; tạo ra những cuộc đối thoại thử nghiệm giữa piano với chèo, tuồng, hát văn. Sau mỗi đêm diễn, lời khen nhiều, lời chê cũng không ít, nhưng chưa đêm diễn nào của Phó An My tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp… còn một chỗ trống.

Kinhtedothi - Theo học âm nhạc cổ điển trong 8 năm tại Đức, trở về Việt Nam, nghệ sĩ piano Phó An My lại chọn cho mình con đường kết hợp âm nhạc cổ điển phương Tây và âm nhạc truyền thống Việt Nam; tạo ra những cuộc đối thoại thử nghiệm giữa piano với chèo, tuồng, hát văn. Sau mỗi đêm diễn, lời khen nhiều, lời chê cũng không ít, nhưng chưa đêm diễn nào của Phó An My tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp… còn một chỗ trống.

 
Nghệ sĩ piano Phó An My: Không định làm náo loạn nghệ thuật cổ truyền - Ảnh 1

 
Theo học âm nhạc cổ điển ở phương Tây, vì sao chị lại chọn con đường đối thoại thử nghiệm trong âm nhạc, kết hợp piano với nghệ thuật truyền thống?

 - Tôi yêu nghệ thuật truyền thống, nhưng mang tư duy thưởng thức của người trẻ, nên sẽ không thể nào đủ khả năng để ngồi nghe 2 - 3 tiếng một vở tuồng, chèo. Nên tôi chọn cách đưa đến một sự hiểu biết súc tích, ngắn gọn nhất về bản chất của từng thể loại âm nhạc truyền thống - từ chầu văn, chèo, tuồng - hay ở điểm nào để giới thiệu chúng đến với mọi người. Mọi người nghĩ con đường tôi đang đi là không giống ai, là dễ cô đơn. Nhưng sau mỗi đêm nhạc, tôi lại thấy mình sảng khoái hơn, tâm hồn như được thỏa mãn sự sáng tạo. Đặc biệt, hiệu ứng bàn luận của công chúng càng làm cho tôi hứng thú. Dù có lời khen, có lời chê nhưng nó rôm rả, chứng tỏ họ đã quan tâm đến thứ âm nhạc mà tôi đang mang đến. Sau mỗi lần tổ chức liveshow “Phiêu tranh”, “Bóng” hay “Lửa thiêng”, tôi đều muốn mình đào sâu hơn nữa.

Đã bao giờ chị lo sợ người ta nói mình phá nghệ thuật truyền thống?

- Tôi đưa tuồng, chèo, chầu văn kết hợp, đối thoại với piano nhưng chưa bao giờ có ý định phá vỡ nghệ thuật cổ truyền thống hay làm náo loạn nó lên. Tôi lấy ví dụ như trong liveshow “Lửa thiêng” diễn ra ngày 29/11/2014 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, âm nhạc đa thanh, đa tiết tấu của cây đàn piano đan xen, đối đáp với giọng hát, làn điệu tuồng nguyên bản đưa người xem lần theo cốt truyện được nhà viết kịch Lương Tử Đức sáng tác dựa trên nội dung của vở tuồng cổ “Ngọn lửa Hồng Sơn”. Chúng tôi không làm gì để biến đổi vở diễn, mà chỉ đưa ra các hình thức đối thoại âm nhạc khác trước để khán giả tiếp cận nhiều chiều hơn, ngắn gọn hơn, súc tích hơn. Có người lại khen ngợi cách “điên” đang cứu giúp nghệ thuật truyền thống bị mai một. Nhưng tôi không nghĩ ai cứu ai. Tôi yêu âm nhạc truyền thống. Ở trường, chúng tôi được học khái quát về các thể loại này và nó ngấm vào máu.

Liveshow của chị thường thu hút lượng đông người xem. Nhưng nhiều người cho rằng họ đến xem chị diễn vì tò mò chứ không phải vì âm nhạc. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi vẫn luôn xác định, chương trình của tôi cũng như nhiều chương trình khí nhạc cổ điển trên thế giới chỉ có thể thu hút khoảng 40% người nghe. Còn tại sao mỗi đêm diễn của tôi vẫn bán chạy vé, không phủ nhận khán giả đến vì tò mò. Bởi vì, tôi đang đi một con đường riêng nên khơi gợi sự tò mò thì không có gì lạ. Song, sẽ có người đến vì chưa bao giờ được xem, cũng có người đến vì xem lần này tôi làm gì khác lần trước, và cũng có người đến vì thích thú.

Chị định đi một con đường dài với loại hình nghệ thuật này?

- Rất khó để nói mình có thể đi được con đường dài hay ngắn. Bởi, âm nhạc đến và gắn bó với tôi là cái duyên. Tôi làm âm nhạc không phải theo kiểu đong đếm bao nhiêu người ủng hộ mình, làm sao để có nhiều người xem mang lại nhiều doanh thu. Tôi làm âm nhạc theo cảm tính. Nhưng dù gì tôi đã có hơn 10 năm gắn bó với con đường âm nhạc cổ điển phương Tây kết hợp truyền thống Việt Nam. Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ mình còn hứng thú để tiếp tục sáng tạo và cống hiến.

Nói như đúng lời của khán giả, chị đã từng “điên” với chèo, chầu văn rồi tuồng, Sau đó, chị sẽ làm gì?

- Trong năm 2015 này, tôi chưa có ý định sẽ làm một chương trình gì lớn. Bởi, sau cuộc dạo chơi với “Lửa thiêng”, Phó An My cần 2 năm để lấy lại sức, để nghĩ xem mình sẽ làm gì tiếp. Cũng có thể tôi sẽ phát triển tiếp của tuồng hay đào sâu hơn nữa chầu văn hoặc chèo. Tôi chưa thể nói cái gì cụ thể.

Xin cảm ơn chị!