Nghệ sĩ ra tự truyện: Được hay mất?

Hương Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghệ sĩ ra tự truyện được gì, mất gì? Được, đương nhiên là nhiều. Nào là gần công chúng hơn, nói rõ những điều dư luận nghi vấn, hâm nóng tên tuổi, có thể “bỗng dưng gây bão” và nổi tiếng hơn trước đó.

Nhưng nhiều khi, những hệ lụy, phiền nhiễu thậm chí còn kéo chìm cả nghệ sĩ vốn chỉ là cái bóng lờ mờ trong làng nghệ thuật.
Nở rộ tự truyện
Khi nghe tin Sơn Tùng - MTP ra mắt tự truyện “Chạm tới giấc mơ” đánh dấu… 5 năm ca hát, nhiều người sẽ không giấu nổi sự ngạc nhiên. Mới 23 tuổi, dù bộc bạch rất nghiêm túc rằng: “Tôi hy vọng cuốn sách giúp các bạn trẻ có thêm động lực theo đuổi ước mơ”, nhưng xem ra điều này có gì đó nực cười. Lượng fan đông đảo, có chút tiếng tăm, cát-xê vào hạng ngôi sao nhưng Sơn Tùng ở đâu, đóng góp, cống hiến gì, tài năng đặc biệt xuất sắc ra sao, thì có lẽ ai cũng trả lời được.
Chưa hết bất ngờ vì sự kiện trên thì mấy ngày nay, dư luận lại xôn xao khi nghe tin ca sĩ Hoàng Thùy Linh chuẩn bị ra mắt tự truyện “Vàng Anh và Phượng Hoàng” với tâm sự: "Tôi nợ cái tên Vàng Anh một lời xin lỗi chân thành. Sau 10 năm, tôi đã đủ dũng khí để đối diện. Hôm nay, Hoàng Thùy Linh của hiện tại chính thức đối diện với Hoàng Thùy Linh cách đây 10 năm". Vẫn biết ít ai đứng dậy được sau scandal clip sex “gây bão” một thời và ít nhiều khẳng định được tên tuổi của mình như Hoàng Thùy Linh, song việc cũ đáng buồn ấy có cần xới lại hay không khi bản thân người trong cuộc đã cố gắng thoát ra để khẳng định mình?

Cuốn tự truyện của ca sĩ Sơn Tùng và tự truyện của nghệ sĩ Thành Lộc.

Hay chuyện về cô ca sĩ chuyển giới Lâm Khánh Chi, mới tháng trước đã ra mắt tự truyện “Lột xác”, đánh trúng tâm lý tò mò của công chúng khi kể khá chi tiết về hành trình 40 năm từ một nam ca sĩ Lâm Chí Khanh “biến” thành “công chúa” như hiện nay ra sao. Ấy vậy nhưng dư luận cũng chỉ xôn xao mấy ngày rồi thôi, người ta chỉ nhớ đến cái tên Lâm Khánh Chi là người chuyển giới, gắn với những phát ngôn gây sốc, chứ ít ai nhớ đến những bài hát mà ca sĩ này từng thể hiện. Cũng như tự truyện “Lạc giữa thanh xuân” của hotgirl Lê Thị Huyền Anh (Bà Tưng) chẳng mấy gây được tiếng vang như những bức ảnh và những “trò lố” mà cô nàng từng “biếu không” dư luận.
Chắc chắn không ai muốn khi ra mắt tự truyện lại “gây bão” theo chiều hướng không mong đợi như “Một đời giông bão” của nghệ sĩ Thương Tín. Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn từng nhận xét: "Tôi đọc “Hồi ký Lý Quang Diệu”, hoặc “Nửa đêm sực tỉnh” của Lưu Trọng Lư, “Hồi ký Nguyễn Hiến Lê”... đều thấy các tác giả xử lý khéo léo khi đề cập về người liên quan đến đời mình. Thể loại hồi ký khi viết khéo léo sẽ giúp nâng tầm nhân vật, tránh đi vào các chi tiết tủn mủn, vụn vặt. Với cuốn hồi ký Thương Tín, tôi cho rằng tên sách “Một đời giông bão” mang một tầm bao quát nhưng nội dung triển khai chưa tới". Khi công khai kể về ca sĩ HN từng nhiều lần đi phá thai hay động chạm đến nhiều nhân vật khác với những chi tiết thiếu tế nhị, Thương Tín đã tự lấy đi chút hình ảnh tốt đẹp cuối cùng còn sót lại trong lòng công chúng vì chính anh đã quá “cạn tàu ráo máng” với những người trong cuộc.
Điều đọng lại vẫn là sự cống hiến
Kỳ lạ, tự truyện của Sơn Tùng - MTP đã bán được 10.000 bản chỉ sau hai ngày ra mắt và đang có kế hoạch in thêm. Trong khi đó, ngay cả tác phẩm đoạt giải Nobel hay các tác giả nổi tiếng khác của Việt Nam cũng khó lòng mơ ước con số đó? Vậy có phải do tự truyện của Sơn Tùng hay hơn các tác phẩm kia? Đương nhiên là không. Chỉ có thể lý giải rằng, số lượng fan của Sơn Tùng khá nhiều và “chịu chơi” khi sở hữu ngay tự truyện của thần tượng mà họ yêu thích. Nhưng những cuốn tự truyện này cũng như tác giả có đóng góp gì cho xã hội thì e rằng, chẳng đọng lại chút nào.
Tự truyện của các nghệ sĩ trẻ này có thể gây bão ngay lập tức với những vòng sóng vô cùng mạnh mẽ, thậm chí có thể cuốn phăng cả người trong cuộc vào vòng xoáy nghiệt ngã, đầy bất ngờ. Còn với những cuốn tự truyện của những nghệ sĩ tạm gọi là lớn tuổi, có những thành tựu nổi bật, có sức ảnh hưởng nhiều đến nghệ thuật Việt Nam thì lại là chuyện hoàn toàn ngược lại. “Tự truyện Trần Văn Khê - Câu chuyện trái tim”, “Tâm thành và Lộc đời” của nghệ sĩ Thành Lộc, “Để gió cuốn đi” của nghệ sĩ Ái Vân, “Đằng sau những nụ cười” của Khánh Ly… là những ví dụ tiêu biểu. Không phải những chi tiết giật gân câu khách, không phải xu hướng tình dục, giới tính hay những chuyện oái oăm, éo le kích thích trí tò mò của dư luận, tự truyện của những nghệ sĩ này chính là lời thủ thỉ tâm tình để khán giả thêm hiểu, thêm yêu một nghệ sĩ trong đời thường, họ biết dẹp bỏ cái tôi cá nhân để khi đứng trước công chúng, họ cháy hết mình cho nghệ thuật.
Có trăm ngàn lý do để nghệ sĩ cho ra mắt tự truyện, dù là để đánh bóng tên tuổi, để gần hơn với khán giả hay gì đi chăng nữa thì điều đọng lại trong lòng người vẫn chỉ là tài năng, tâm huyết của nghệ sĩ với đời chứ không phải chỉ là những câu chuyện đời tư tầm phào. Nhiều người cho rằng, người nghệ sĩ nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định công bố tự truyện, bởi nhiều khi mất nhiều hơn được.