Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung: “ Dù không thích tôi vẫn phải làm”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vừa được giao đảm nhiệm trọng trách Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nhưng Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung lại tỏ ra không quan tâm tới tin vui này. Bởi băn khoăn của anh đang nằm chính ở cái nơi mà cả gia đình anh đang hoạt động nghệ thuật, song nó lại đang khủng hoảng.

 Cái ghế không gắn mãi với mình

 Những nghệ sĩ cũ của Nhà hát Tuổi trẻ đã thay nhau lên nắm giữ vị trí Giám đốc, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam. Đây là kết quả có hậu với các anh ở cái thời "hậu" Lê Hùng?

- Tôi nghĩ Trương Nhuận, Thế Vinh, Lê Khanh, Anh Tú đều giống tôi, không quan tâm lắm đến chuyện mình sẽ được chức này, chức nọ sau sự vụ lùm xùm sáp nhập hai nhà hát. Bởi chúng tôi đều là những người làm nghệ thuật đơn thuần. Tôi cho rằng, sang vị trí mới còn khổ hơn, thay vì lo cho 60 con người thì phải lo cho 200 con người của cả nhà hát. Tôi không thích thú gì chức vị, nhưng vì trách nhiệm với những người xung quanh mình, với cái nơi đã đưa tôi vào nghề, nơi hai vợ chồng tôi đang cống hiến, kiếm tiền nuôi con... Và dù đã được bổ nhiệm, nhưng nếu tôi không có khả năng thì có ngày cũng phải xuống, cái ghế không phải gắn liền mãi với mình.

Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung: “ Dù không thích tôi vẫn phải làm” - Ảnh 1

Gắn bó với Nhà hát Tuổi trẻ từ lâu, anh có thấy buồn về khoảng trầm của sân khấu bây giờ?

- Nói là buồn thì không hẳn, bởi chúng tôi vẫn đang nỗ lực, vẫn hoạt động sáng, trưa, chiều tối với các buổi tập, buổi diễn, không phải bằng vài ba cuộc họp. Vừa rồi chúng tôi lập ra Câu lạc bộ Những người yêu sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ với 1.000 thẻ ưu đãi. Đó là cách "gây men" cho khán giả, hậu mãi ở đây không phải là quà mà là dư âm đọng lại cho khán giả. Nhưng cũng phải thừa nhận, nghệ sĩ miền Bắc sống nhiều bằng tinh thần và không tỷ lệ thuận với doanh thu. Hiện nay, mỗi buổi diễn, sau khi chi trả các chi phí như thuê rạp, ánh sáng…, mỗi người chỉ còn được nhận cao nhất là 200.000 đồng, hoặc 160.000  - 170.000 đồng, có những em chỉ được nhận 100.000 đồng. Một tuần diễn hai buổi thì làm sao đủ sống?

Với vai trò là Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, anh định "xốc lại", trước mắt là đời sống cho diễn viên đoàn anh như thế nào?

- Hiện nay, Đoàn 2 của Nhà hát Tuổi trẻ do tôi làm Trưởng đoàn đang lên kế hoạch mở thêm điểm diễn. Trong các buổi diễn, sẽ không chỉ có hài kịch, mà có cả chính kịch, vở diễn lớn. Thị trường sân khấu ở quận, huyện, nơi xa trung tâm hoàn toàn vắng bóng, tối đen, chỉ cần que diêm sẽ thành bó đuốc. Tuy nhiên, cách làm này của tôi mới thực hiện được ở Đoàn 2, tôi chưa tìm được sự hợp nhất của các đoàn khác trong nhà hát. Thêm nữa, các nhà hát khác cũng chưa có quan điểm như tôi để cùng hợp lực.

Người ta vẫn nhớ về hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng Chí Trung đứng giữa chợ quảng cáo cho vở diễn, mang giấy tiếp thị giới thiệu vở mới đến từng gia đình, và không ngần ngại đi giao từng tấm vé. Chính vì vậy, giữa lúc sân khấu miền Bắc điêu đứng thì anh lại vận dụng lại cái sự năng động của mình?

- Tôi không phải là doanh nhân, chỉ là một nghệ sĩ với suy nghĩ đơn thuần. Nhưng tôi hiểu chúng ta phải tiếp thị sân khấu đến tận nhà công chúng thì mới hy vọng công chúng nhớ đến loại hình sân khấu.

Vân Dung định bỏ vai diễn Táo quân 2013

Chương trình Táo quân 2013 nhận được sự phản hồi không mấy tích cực của khán giả. Anh có hài lòng với vai diễn Táo giao thông năm nay?

- Tôi cũng thấy năm nay vai Táo giao thông không hay, cũng có khán giả đã gặp tôi trực tiếp và nói như vậy. Nhưng phải "có bột mới gột nên hồ", chất liệu dành cho vai Táo giao thông năm nay rất khó, đơn giản là vì giao thông nó vẫn thế, vẫn là đường không thông, hè không thoáng, mãi lộ... Không chỉ vai Táo giao thông, những diễn viên khác cũng đều chán như tôi. Trong kịch bản ban đầu, Vân Dung rất chán, còn định bỏ vai, về sau phải nghĩ cho Dung thêm phần bác sĩ người máy rất hay như thế. Đọc kịch bản, tôi biết ngay vai diễn của mình năm nay không hay nhưng vẫn cố gắng làm cho vai diễn của mình hay hơn kịch bản.

Anh cũng đã nói rằng, với Chí Trung thì cười trên ngực trở lên. Nhưng anh có nghĩ rằng, càng dân dã thì càng dễ bán vé?

- Dân dã thì phải rất duyên nếu không duyên thì… kinh khủng! Tôi không có được cái duyên đó nên phải chọn trí tuệ. Đã là hài phải vui vẻ và tiếng cười trực tuyến còn có thể nếu hay hơn nữa thì xem xong về còn được ngẫm nghĩ. Nhưng diễn mà chỉ có người diễn và người trong cánh gà cười sằng sặc mà khán giả chẳng hiểu mấy, thì chỉ 1 - 2 phút nữa là chết ngay trên sân khấu.

Có bao giờ vở diễn của anh rơi vào hoàn cảnh "2 phút nữa là chết" vì khán giả không cười?

- Cũng có chứ, ai nói chắc được. Chúng tôi cũng là người bình thường, cũng có lúc mệt mỏi, có lúc vội vàng cho dù luôn mong muốn tác phẩm tốt. Trong quá trình chuẩn bị, có những tác phẩm, tiểu phẩm "chết" ngay ở phòng tập, có vở "chết" ngay sau một buổi diễn… thì mới ra được vở hay. Đó chính là cái đẹp của sân khấu đấy. Và có những đêm diễn thăng hoa, mình thấy người như có luồng điện tê giật. Nhưng có những đêm chỉ muốn khoét một lỗ ở sân khấu để chui xuống. Tôi ít khi gặp tai nạn nghề nghiệp, nhưng không vì thế mà không phấn đấu.

Xin cảm ơn anh!