[Nghệ sĩ và chuẩn mực ứng xử văn hóa] Bài 2: Lừa khán giả, lệch chuẩn giá trị đạo đức

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vô tình hay cố ý, nhiều nghệ sĩ đã dùng sự ảnh hưởng của mình để tiếp tay cho những quảng cáo “bẩn”, sai sự thật, đánh lừa khán giả.

Giá trị về lòng tin và sự chân thật đã bị ảnh hưởng rất lớn vì sự thiếu ý thức trách nhiệm do những nghệ sĩ được gọi là người của công chúng.
“Nóng” chuyện quảng cáo “bẩn”

Showbiz Việt thời gian gần đây "nóng" với việc hàng loạt nghệ sĩ bị phanh phui quảng cáo tiền ảo, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe kém chất lượng hoặc quảng cáo quá công dụng, sai sự thật.

Với sự phát triển của mạng xã hội, việc quảng cáo của nghệ sĩ ngày nay không chỉ giới hạn trên báo chí, truyền hình mà hoạt động giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng công nghệ thông tin với các trang như: Facebook, TikTok hay YouTube ngày càng phổ biến. Trong đó có việc nghệ sĩ trực tiếp phát đi thông tin, thông điệp quảng cáo trên trang cá nhân hoặc kênh riêng thu hút hàng triệu lượt người theo dõi.
Cần có văn hóa trong phát ngôn và ứng xử trên không gian mạng. Ảnh: Chiến Công
Chúng ta thường thấy các diễn viên đang “hot” trên các bộ phim truyền hình như: Bảo Thanh, Hồng Diễm, Mạnh Trường, Hồng Đăng… thường đăng các loại tút quảng cáo, từ tủ lạnh, thương hiệu ô tô, bột giặt, máy rửa mặt, thuốc hay thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe… Hình thức quảng cáo trên nền tảng công nghệ với các trang cá nhân của nghệ sĩ không có sự kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm, cũng như những ngôn từ quảng cáo như trên các phương tiện truyền thông chính thống.
Bởi vì, chủ yếu đây là hợp đồng giữa cá nhân nghệ sĩ và các nhãn hàng, không có sự kiểm soát của bên thứ 3. Hình thức quảng cáo này rất khó kiểm soát khi các nhãn hiệu, mặt hàng xuất hiện tràn lan. Công chúng nhiều khi không biết gì về nhà sản xuất lẫn sản phẩm mà chỉ nghe nghệ sĩ tán dương về tác dụng trên trời và tin tưởng mua dùng.

Thế nên mới có chuyện hàng loạt ngôi sao quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm béo, ung thư dạ dày, u xơ, u nang, viêm họng... và bị phàn nàn là sản phẩm không đủ chất lượng hoặc công dụng bị nói quá lên. Có những ca sĩ, diễn viên hài bị "kêu" vì quảng bá cả kem trộn, thuốc giảm cân chưa được kiểm chứng nguồn gốc. Rồi cả tiền ảo bất hợp pháp cũng được hàng loạt người nổi tiếng trong giới giải trí quảng cáo trong khi bản thân họ không đủ hiểu biết về lĩnh vực này. Bị dư luận phản ứng quyết liệt, họ mới vội xóa bài và nhiều người lặng im không xin lỗi.

Có lỗi mà chưa thể xử phạt

Nghệ sĩ Quyền Linh, người từng khẳng định sản phẩm anh đang giới thiệu có khả năng điều trị tốt gấp 70 lần so với curcumin bình thường - chức năng không được ghi trong giấy xác nhận quảng cáo do Cục An toàn Thực phẩm cấp, “Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình. Đây là bài học để tôi rút kinh nghiệm. Tôi chưa bao giờ quảng cáo sản phẩm không có nguồn gốc rõ ràng” - Quyền Linh. Một số người đã lên tiếng xin lỗi khán giả như Quyền Linh, Nam Thư và mới đây nhất là Hồng Vân.
NSND Hồng Vân cũng đã nói lời xin lỗi: “Đoạn phim quảng cáo làm cho người tiêu dùng hiểu nhầm về thuốc và thực phẩm chức năng, khiến khán giả bức xúc. Vân xin cúi đầu nhận lỗi vì đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ uy tín và cách thức bán hàng của sản phẩm mình quảng cáo”.

Việc nghệ sĩ nhận sai giúp xoa xịu phần nào sự bất bình của dư luận và những người đang thất vọng vì trót đặt niềm tin nhầm chỗ vào thần tượng mà họ luôn yêu mến. Tuy nhiên, trên mạng xã hội, rất nhiều người cho rằng, nếu chỉ xin lỗi là chưa đủ.
“Quảng cáo sai sự thật, sai các quy định về hoạt động quảng cáo chính và vi phạm, mà hành vi vi phạm cần được xử lý theo các quy định pháp luật. Chúng ta yêu mến các nghệ sĩ, nhưng họ cũng cần được đối xử như những công dân khác, sai thì phải phạt chứ không thể chỉ xin lỗi” - nickname Minh Trần bày tỏ.
"Chưa có cơ quan chuyên ngành nào đánh giá tác hại của những lần quảng cáo sai sự thật này của nghệ sĩ gây hậu quả ra sao với người tiêu dùng. Bởi vì không phải ai khi dùng sản phẩm thấy ảnh hưởng đến sức khỏe cũng có thể lên tiếng, hoặc ảnh hưởng đó có còn mang tính dài lâu không dễ nhận biết ngày 1 ngày 2. Nên tôi đề nghị cần quy trách nhiệm với nghệ sĩ tiếp tay cho quảng cáo bẩn” - khán giả Hải Long viết.
Một cư dân mạng khác gay gắt: “Tôi thấy việc này phải ngăn chặn từ rất lâu rồi mới đúng. Rõ ràng là vi phạm pháp luật, lợi dụng sự nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm không đúng với thực tế! Đó là một cách tiếp tay với kẻ xấu lừa đảo người tiêu dùng. Các nghệ sĩ vì hám lợi mà bất chấp đúng sai, hành động này đáng bị xử lý bằng pháp luật”.
“Việc nghệ sĩ quảng cáo những sản phẩm không rõ nguồn gốc, thiếu kiểm chứng sẽ tác động rất tiêu cực đến người dùng. Ở thành phố, những bà nội trợ thiếu kiến thức rất dễ sa vào bẫy quảng cáo. Còn ở nông thôn, họ thiếu điều kiện tiếp cận thông tin nên càng mù mờ về sản phẩm, do đó sẽ tin dùng. Tất cả đều vì yêu mến, tin tưởng nghệ sĩ nên mới tin vào quảng cáo đó. Cần có biện pháp để ngăn chặn nghệ sĩ quảng cáo đồ dởm, kém chất lượng và nếu có trường hợp nào đáng tiếc, họ cần có trách nhiệm với người tiêu dùng, người hâm mộ thay vì chỉ là lời xin lỗi qua loa” - Hiền Ngô bày tỏ bức xúc.

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Quốc Cường - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng: Hiện Luật Quảng cáo không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo cũng không quy định về việc xử phạt đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Trách nhiệm đang được quy về cho chủ sở hữu hàng hóa và bên phát hành sản phẩm quảng cáo. Đây là lý do vì sao nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm kém chất lượng nhưng lại chưa có căn cứ để xử lý.

Rất nhiều cơ quan đoàn thể từ T.Ư đến địa phương như: Bộ VHTT&DL, Bộ TT&TT, các hội nghề nghiệp đã vào cuộc nhắc nhở các nghệ sĩ cần nhìn lại việc làm của mình; họ phải có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng người tiêu dùng.
Song bên cạnh việc vận động, nhắc nhở, ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể mang tính lâu dài như quy định xử phạt để sớm chấm dứt tình trạng quảng cáo sản phẩm tùy tiện trên mạng xã hội, nhất là đối với người nổi tiếng, những người luôn có một lượng lớn người hâm mộ tin tưởng và làm theo. Có như vậy sự lừa lọc không có chỗ để thực hiện, giá trị của lòng tin cũng vì thế được gìn giữ.

Do gần đây một số nghệ sĩ tham gia quảng cáo có nội dung không đúng; sử dụng mạng xã hội truyền tải thông tin thiếu kiểm chứng, xúc phạm cá nhân… làm xấu hình ảnh người nghệ sĩ, nên đầu tháng 6/2021, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông ký văn bản đề nghị chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan cùng chấn chỉnh một số hiện tượng tiêu cực liên quan tới giới nghệ sĩ trên mạng xã hội, làm xấu đi hình ảnh của người nghệ sĩ và gây bức xúc trong Nhân dân. Bộ VHTT&DL đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, an ninh mạng đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định tại Nghị định 144 năm 2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, pháp luật về quảng cáo và các quy định pháp luật có liên quan.


Ngày 17/6, Bộ TT&TT đã có Quyết định số 874/QĐ-BTTTT về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ Quy tắc được ban hành nhằm tạo điều kiện lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đồng thời, Bộ Quy tắc hướng đến xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam. (Lan Ngọc (ghi))