Bất cập nên phải cấp phép
Những vấn đề quản lý và tổ chức lễ hội đã được quy định trong một số điều của Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL và Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng hơn 8.000 lễ hội được tổ chức mỗi năm, không thiếu những cảnh chen lấn xô đẩy, đạp đổ đồ thờ chỉ vì tranh cướp lộc ngay chính đền Trần (Nam Định), hay bói toán, lên đồng, cờ bạc ở Phủ Giầy, chùa Hương, rồi ngả nón xin tiền ở Hội Lim (Bắc Ninh)… Đặc biệt là tình trạng bạo lực từ lễ hội chém lợn (Bắc Ninh), lễ hội đập đầu trâu (Phú Thọ), rồi thi trâu khỏe (Hà Nội). Khi xây dựng tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cũng thừa nhận: “Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo đánh giá của Bộ VHTT&DL chưa đầy đủ, vậy nên cần thiết phải có Nghị định riêng về quản lý và tổ chức lễ hội để khắc phục những hạn chế nêu trên”.
Điểm lưu ý nhất của dự thảo Nghị định này chính là việc cấp phép lễ hội. Dự thảo đã quy định những loại hình lễ hội phải cấp phép trước khi tổ chức bao gồm: Lễ hội dân gian được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn ở quy mô tổ chức trong nhiều huyện thuộc một tỉnh, lễ hội VHTT&DL quy mô toàn quốc hoặc khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam. Theo đó, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cấp giấy phép đối với lễ hội VHTT&DL quy mô khu vực hoặc toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp giấy phép đối với các lễ hội có nguồn gốc nước ngoài. Chủ tịch UBND tỉnh, TP cấp phép các lễ hội cấp tỉnh.
Trên thực tế, rất nhiều ý kiến từng phản đối việc quy định cấp phép lễ hội, bởi lo ngại thủ tục hành chính rườm rà, tạo ra những giấy phép con… Thế nhưng, GS Ngô Đức Thịnh – Giám đốc Trung tâm bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam cho rằng: “Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng “bội thực” lễ hội, cũng như góp thêm một hành động ý nghĩa để giảm áp lực cho ngân sách đang phải “cõng” quá nhiều thứ chi tiêu hiện nay”. Thêm vào đó là siết chặt công tác quản lý, có thể là cấp phép cũng nên làm. Theo lý luận của Bộ VHTT&DL thì một lễ hội phải đảm bảo các điều kiện: Không thể hiện các nghi thức mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị hay mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; đảm bảo nội dung của phần nghi lễ và các hoạt động lễ hội không chứa đựng các nội dung thể hiện sự kích động bạo lực… thì mới được cấp phép. Như vậy, việc cấp phép sẽ kiểm soát được ngay từ khâu đầu của công tác tổ chức.
Ban hành trước mùa hội mới?
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết: “Nghị định này sẽ tạo hành lang pháp lý để không cho phép phục dựng tràn lan các lễ hội nói chung, lễ hội chọi trâu không gắn với truyền thống nói riêng”. Dự thảo Nghị định đưa ra 3 chính sách với nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nội dung lễ hội đúng với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, thực sự trở thành nét sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng cao, hấp dẫn và có giá trị về giáo dục, tâm linh lành mạnh. Trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức lễ hội. Theo Bộ VHTT&DL, khi quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tham gia công tác tổ chức lễ hội thì khả năng thực thi, tuân thủ quy định được nâng cao; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời gắn với trách nhiệm pháp lý khi thực thi không đầy đủ.
Theo kế hoạch, Dự thảo Nghị định sau khi được Bộ Tư pháp thẩm định, cho ý kiến, sẽ được trình Chính phủ xem xét, thông qua vào cuối năm năm 2017, trước mùa lễ hội năm 2018.
Thông tin từ Bộ VHTT&DL, dự kiến ngày 19/8, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ VHTT&DL) phối hợp với Sở VH&TT Hải Phòng tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các nhà quản lý, chuyên gia để điều chỉnh việc tổ chức Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. |