Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghị định thư bổ sung Công ước về quyền trẻ em có hiệu lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định thư bổ sung Công ước về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua hồi cuối năm 2011, bắt đầu có hiệu lực.

Theo thông báo của Ban Thư ký Liên hợp quốc, ngày 14/4, Nghị định thư bổ sung Công ước về quyền trẻ em đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua hồi cuối năm 2011, bắt đầu có hiệu lực.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc cho biết theo quy định của nghị định thư trên, kể từ nay, trẻ em sinh sống ở tất cả mọi nơi trên thế giới đều có quyền tố cáo lên Liên hợp quốc mỗi khi các quyền của mình bị vi phạm. Đây được xem như một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em toàn cầu.

Văn bản này đã tạo ra những khả năng và điều kiện thuận lợi nhất để trẻ em tố cáo lên Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc những hành động đơn lẻ, hay có hệ thống vi phạm các quyền của mình tại tất cả những quốc gia đã tham gia ký Công ước.
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)
(Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)
Những vi phạm quyền của trẻ em thường thấy có liên quan tới việc buôn bán, lạm dụng tình dục, tuyên truyền tranh ảnh, sách báo khiêu dâm trẻ em, tước quyền vui chơi, học hành, bắt trẻ em phải lao động kiếm sống, hoặc tham gia vào các cuộc xung đột, chiến tranh...

Công ước về quyền trẻ em được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1989 và bắt đầu có hiệu lực một năm sau đó. Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn Somalia và Mỹ chưa phê chuẩn. Công ước gồm 54 điều khoản, quy định rất cụ thể trách nhiệm của mọi người, mọi quốc gia trong việc thực thi và tôn trọng triệt để tất cả các quyền của trẻ em liên quan tới cuộc sống, phát triển, học hành, không bị bạo lực, buôn bán...

Tiếp đó, đến năm 2000, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua hai Nghị định thư bổ sung công ước trên, liên quan tới việc cấm buôn bán, lạm dụng tình dục, cũng như việc tuyên truyền tranh ảnh, sách báo khiêu dâm trẻ em. Nghị định thư bổ sung thứ ba được thông qua và bắt đầu có hiệu lực, giúp trẻ em có quyền tố cáo mọi hành vi vi phạm Công ước trên.

Để theo dõi, giám sát việc thực thi công ước, Liên hợp quốc đã thành lập Ủy ban về quyền trẻ em, gồm 18 chuyên gia thuộc các lĩnh vực luật pháp và tâm lý.