Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghị lực của người phụ nữ “đi bằng hai tay”

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tưởng nghề khảm trai không sống nổi trong nền kinh tế thị trường, thế nhưng, từ trong gian khó, với lòng say nghề, chị Nguyễn Thị Hương - người phụ nữ bị liệt hai chân ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín đã miệt mài gìn giữ, làm cho tinh hoa văn hóa dân tộc trường tồn.

Nghị lực vượt lên số phận
Gặp lại chị Hương (SN 1970), thôn Vạn Điểm, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, tôi không mấy ngạc nhiên khi thấy mái tóc dài ngày nào gặp nay đã ngắn ngang vai. Khuôn mặt chị giờ đã có thêm những nếp nhăn. Đôi chân ngày càng teo tóp theo năm tháng, thỉnh thoảng lại nhói đau khi trái gió trở trời. Tuy vậy, chị vẫn cặm cụi đục, khảm, trang trí hoa văn lên những chiếc tủ tường, tủ thờ, bàn, ghế. Bước vào ngôi nhà hai tầng cũng là xưởng sản xuất đồ gỗ khảm trai của chị, tôi như được hòa mình giữa những bộ đồ gỗ đồ sộ.
Trong nhà chị Hương, trên tường là tấm Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng và nhiều Bằng khen do bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) tặng “Vì đã có thành tích vượt lên số phận, không chỉ làm giàu cho mình, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động”.
Chị Nguyễn Thị Hương luôn lạc quan yêu đời.
Vẻ mặt đang phấn khởi, bỗng trầm lại khi chị nhớ về quá khứ, ông trời đã không cho chị may mắn như những người khác. Năm 1970, cô bé Hương xinh xắn chào đời trong một gia đình nghèo ở thôn Vạn Điểm. Được gần một tuổi thì sau một trận ốm nặng, bị liệt đôi chân và từ đó chị không thể tập đi như những đứa trẻ khác. Tuổi thơ của chị là một chuỗi ngày đau khổ và là gánh nặng cho gia đình.
Sau khi bị liệt, chị phải tập di chuyển bằng hai tay. Năm 1992, lúc này làng nghề khảm trai Vạn Điểm đang phát triển, chị nhận thấy phải làm một cái gì đó để nuôi sống bản thân và phụng dưỡng bố mẹ. Và thế là, chị bắt đầu miệt mài với công việc…
Gần 30 năm theo nghề
Với lòng quyết tâm, chịu khó. Chỉ một năm sau, chị Hương mở xuởng tại nhà bằng số vốn tích cóp được cùng với sự giúp đỡ một phần của gia đình. Từ khi có nhà và xưởng riêng, chị nhận thêm thợ rồi truyền nghề cho các em. Ban đầu là những thanh niên nghèo, thất nghiệp trong xã. Dần dần, chị nhận dạy nghề cho các em tật nguyền mong muốn có nghề làm ăn.
Chị Nguyễn Thị Hương hướng dẫn các em đục khảm trai.
Chị Hương chia sẻ: “Năm 2007, tôi vào TP Hồ Chí Minh dự hội thảo dành cho người tàn tật làm kinh tế giỏi. Thấy xung quanh nhiều người còn thiệt thòi hơn mình, từ đó, tôi muốn góp một phần công sức để giữ gìn nghề truyền thống của cha ông". Nhờ có sự quyết tâm, phấn đấu, đến nay chị Hương đã làm chủ một xưởng khảm trai nổi tiếng với những người thợ đa số là các em tàn tật.
Chị chia sẻ, điều mong muốn hơn cả là xưởng sản xuất ngày càng phát triển để tạo việc làm cho các em, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Gần 30 mươi năm qua, chi Hương đã miệt mài truyền nghề cho khoảng 100 thợ đục khảm, trong đó có rất nhiều em tàn tật đến từ các tỉnh như: Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình…
Chủ tịch UBND xã Vạn Điểm Tạ Thanh Ngừng cho biết, tuy hai chân bị liệt, nhưng trái tim, nghị lực và lòng yêu nghề trong chị Nguyễn Thị Hương không bao giờ cam chịu, luôn cháy lên một sức mạnh, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Chính lòng yêu nghề, say mê lao động đã giúp chị có được thành công ngày hôm nay. Điều đáng khâm phục nhất ở chị là ý chí kiên cường và nghị lực phi thường của một người phụ nữ tàn tật, chị đã chiến thắng nỗi đau, vượt lên chính mình và tạo nghề cho hàng trăm lao động.