Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghị quyết về BOT giao thông: Kỳ vọng không xảy ra điểm nóng

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia đánh giá, Nghị quyết về BOT giao thông mà Chính phủ vừa ban hành đã đáp ứng được kỳ vọng của người dân, song vấn đề quan trọng hiện nay là quá trình thực thi của những cơ quan liên quan.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 83/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Giải pháp toàn diện cho vấn đề BOT
Trong Nghị quyết 83, Chính phủ yêu cầu rà soát, đánh giá, tổng kết việc lập, triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP (bao gồm các loại hợp đồng) từ tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư phát triển các lĩnh vực kết cấu hạ tầng trong giai đoạn trước đến hết năm 2017. Mục đích nhằm đánh giá một cách toàn diện những mặt được và hạn chế, bất cập, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục hữu hiệu. Nghị quyết cũng yêu cầu xử lý dứt điểm những bất cập tồn tại ở những dự án BOT giao thông.
 Trạm BOT Nam Cầu Giẽ cũng từng gây bức xúc dư luận về vị trí đặt trạm. Ảnh: Phạm Hùng.
Ngày 10/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam phát đi Thông cáo số 4224/TCĐBVN-TC về việc triển khai việc sử dụng tên gọi trạm thu phí. Theo đó, việc đổi tên từ “Trạm thu giá” thành “Trạm thu phí” được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và chỉ đạo của Bộ GTVT để thống nhất tên gọi dễ hiểu, đơn giản, được người dân và DN đồng tình.
Về việc lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu của các dự án BOT giao thông, Chính phủ yêu cầu phải thực hiện đấu thầu công khai, minh bạch, hạn chế tối đa chỉ định thầu. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng suất đầu tư, suất vận hành trong đầu tư các công trình thuộc ngành giao thông theo hình thức BOT; nghiên cứu xây dựng mẫu hợp đồng BOT áp dụng cho ngành giao thông, trong đó phải loại bỏ các điều khoản bí mật. Ngoài ra, Nghị quyết cũng yêu cầu hoàn thiện việc rà soát tổng thể về vị trí đặt trạm, chính sách miễn giảm giá tại tất cả các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và quản lý doanh thu chặt chẽ để có những giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu chính quyền địa phương nơi có dự án đi qua có trách nhiệm tham vấn ý kiến người dân trước khi triển khai.
Phải có kế hoạch tổng thể thực hiện
PGS.TS Ngô Trí Long  – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính: Vấn đề tổng kiểm tra, rà soát lại tất cả các dự án BOT các cơ quan Thanh tra và Kiểm toán đã làm rồi, nhưng đến nay, kết luận sẽ xử lý những sai phạm đó như thế nào thì vẫn chưa có hạ hồi. Phải đưa ra một vài vụ sai phạm trong các dự án BOT xử lý để lấy được niềm tin của người dân và dư luận. Nghị quyết được ban hành thì bao giờ cũng đúng, điều quan trọng là thực hiện những nội dung Nghị quyết như thế nào. Tại sao các vấn đề BOT đến bây giờ vẫn gây bức xúc? Đó chính là quá trình thực hiện, là chế tài xử lý sai phạm, hậu kiểm phải xử lý như thế nào, đến nơi đến chốn hay không?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đánh giá, những nội dung được đề cập trong Nghị quyết 83/NQ-CP đã nêu khá đầy đủ về những vấn đề của BOT giao thông và gần như đáp ứng được kỳ vọng của tất cả mọi người trong công tác giải quyết bất cập, tồn tại của các dự án BOT giao thông. Do đó, vấn đề cần quan tâm nhất bây giờ là các cơ quan liên quan, trong đó đặc biệt là Bộ GTVT sẽ thực hiện Nghị quyết như thế nào.
Chuyên gia JICA lấy ví dụ, việc các trạm BOT đặt sai vị trí, công tác rà soát, đánh giá đã xong, nhưng để xử lý những trạm sai vị trí đó lại là câu chuyện không đơn giản. Điều đó thể hiện rõ ở việc Bộ GTVT trong thời gian qua, dù đã chỉ rõ những trạm BOT có bất cập về vị trí nhưng vẫn tiếp tục đề nghị giữ nguyên trạm, cho hoạt động trong khi giải pháp duy nhất vẫn chỉ là giảm giá vé. Giải pháp này trên thực tế không phát huy được nhiều hiệu quả kể từ khi thực hiện. Bên cạnh đó, việc xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức sai phạm trong các dự án BOT, theo TS Nguyễn Hữu Đức cũng là điều không dễ để thực hiện. “Quy trách nhiệm xong thì xử lý ra sao?” - TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả những nội dung trong Nghị quyết 83/NQ-CP của Chính phủ, các chuyên gia cho rằng, trước hết các bộ liên quan, trong đó có Bộ GTVT phải lên một kế hoạch tổng thể. Bộ GTVT cũng có thể nghiên cứu, xem xét nếu có điểm gì chưa hợp lý có thể đề xuất sửa đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay, sau khi Nghị quyết được ban hành, vẫn chưa có đơn vị nào có ý kiến về việc sẽ soạn thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết.