Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Times of London hôm 22/12, hai quan chức quân đội đồng thời cũng là thành viên Quốc hội Ukraine thừa nhận Kiev không đủ khả năng để chiến đấu ngang ngửa với người Nga, và chiến thắng là điều không thể.
Tờ báo của Anh mô tả tâm trạng của một số quan chức Ukraine là “sự chấp nhận nghiệt ngã hơn là chủ nghĩa phòng thủ”, đồng thời thừa nhận, Kiev đã từ bỏ hy vọng về “chiến thắng trong tương lai” và cố gắng không để mất thêm bất kỳ lãnh thổ nào.
"Giờ đây, cơ hội giành chiến thắng trên chiến trường gần như là không thể. Cuộc xung đột hiện tại có thể kéo dài nhiều năm nữa. Nga có đủ nguồn lực cho kịch bản này" - tờ Times of London dẫn lời ông Roman Kostenko, người chỉ huy một đơn vị ở mặt trận Kherson nhưng cũng là một nghị sĩ quốc hội Ukraine, thừa nhận.
Thành viên Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Tình báo của Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine), cũng bày tỏ sự hoài nghi về việc bất cứ vũ khí nào do phương Tây hỗ trợ có thể giúp Kiev lật ngược tình thế.
“Tôi không tin có bất kỳ loại vũ khí nào hiện nay có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến kết quả của cuộc xung đột. Tên lửa ATACMS tầm xa không thể đem lại bước đột phá nào và máy bay chiến đấu F-16 chỉ có thể giúp chúng ta nâng cao khả năng tác chiến” - nhà lập pháp Ukraine nêu rõ, đồng thời lưu ý rằng, Nga có “hàng trăm” máy bay chiến đấu hiện đại hơn.
“Tôi không hiểu tại sao lại có quan điểm cho rằng chúng tôi có thể đánh bại Nga bằng hàng chục chiếc F-16” - ông Kostenko cho hay.
Theo nghị sĩ này, mục tiêu thực tế hơn đối với Ukraine sẽ là giữ lãnh thổ và giảm thiểu thương vong, đồng thời thực hiện các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 19/12 đã kêu gọi huy động thêm khoảng 500.000 người khác để bù đắp những tổn thất trên chiến trường.
Svyatoslav Yurash, một nghị sĩ khác của Ukraine, mô tả cuộc giao tranh là “đau đớn”, và nói rằng, lực lượng Ukraine “không đủ lực để ngăn cản các cuộc tấn công của Nga". "Chúng ta vẫn hy vọng điều tốt nhất, nhưng cũng nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Đó là thực tế" - nghị sĩ Yurash bình luận.
Ngoài khó khăn về nhân lực, Ukraine cũng đang đối mặt với thách thức cạn kiệt vũ khí, trang thiết bị quân sự khi phương Tây bắt đầu dè dặt hơn với những gói viện trợ mới dành cho Kiev.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov nói với tờ Times of London rằng, ông không nghĩ Washington sẽ bỏ rơi Kiev.
Trong khi đó, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podoliak, lập luận rằng tình thế khó khăn hiện nay của Ukraine là do phương Tây chậm trễ chuyển giao những vũ khí mà Kiev cần.
Trong một diễn biến liên quan, tờ Pravda hôm 22/12 đưa tin, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ nhận định, nếu phương Tây ngừng viện trợ, Ukraine sẽ mất khả năng ngăn chặn quân đội Nga.
Trong báo cáo công bố hôm 21/12, ISW cho biết, sự hỗ trợ an ninh của phương Tây đã giúp Ukraine đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga và giành lại một phần lãnh thổ.
Do vậy, ISW cho rằng: "Việc phương Tây duy trì viện trợ quân sự là cách duy nhất để giúp Ukraine ngăn Nga đạt được các mục tiêu chiến dịch quân sự đặc biệt". Ngược lại, nếu phương Tây ngừng viện trợ, Kiev sẽ mất khả năng ngăn chặn quân đội Nga.
Mỹ và các đồng minh liên tục viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2/2022. Tuy nhiên, chiến sự sắp bước sang năm thứ 3 trong khi cuộc phản công mùa hè của Kiev không đạt được đột phá, cùng với những biến động trên chính trường đã khiến mức độ sẵn sàng viện trợ của phương Tây giảm dần.
Truyền thông phương Tây như Bloomberg, Financial Times gần đây cũng nói rằng giới chức Mỹ và các đồng minh dường như bắt đầu tính đến kịch bản Nga có thể giành chiến thắng ở Ukraine.