Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý đầu tư

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, trong đó, có tới 10 mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm.

Thế nhưng, số DN Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế này chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động trên cả nước, và chủ yếu là các DN “nhỏ đến rất nhỏ”. Một con số thực sự khiêm tốn và đáng suy ngẫm.
Trong 10 năm qua, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô tăng trưởng nhanh và luôn nằm trong tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp lại rất hạn chế. Thực tế, từ 5 năm trước, Chính phủ đã rất quan tâm tới thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và được cụ thể hóa bằng việc ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP. Mặc dù có hiệu lực từ tháng 2/2014, nhưng sau hơn 4 năm, tốc độ tăng trưởng số lượng DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn rất chậm so với các nhóm ngành kinh tế khác. Đến nay, mới chỉ có 49.600 DN đầu tư vào lĩnh vực giàu tiềm năng này - con số chỉ chiếm khoảng 8% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao lĩnh vực nông nghiệp có dư địa phát triển và tiềm năng rất lớn, nhưng số DN tham gia đầu tư lại khiếm tốn đến vậy?. Thực ra có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là từ chính những cơ chế, chính sách hiện nay. Không ít người sẽ phải “giật mình” khi biết rằng, muốn triển khai đầu tư một dự án nông nghiệp, DN sẽ phải trải qua ít nhất 16 bước với khoảng… 40 văn bản, thủ tục pháp lý! Tình trạng “giấy phép con, giấy phép cháu” vẫn còn hiện hữu phổ biến khiến không ít DN nản lòng. Không chỉ vậy, một môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, không còn cơ chế xin cho, thay thế mệnh lệnh hành chính bằng cơ chế thị trường… vẫn còn là “mơ ước” của rất nhiều DN.

Trước những khó khăn đó, Chính phủ tiếp tục thực hiện vai trò “bà đỡ” về chính sách khi ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 210). Đặc biệt, ngày 30/7/2018, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” - hội nghị được xem lớn nhất từ trước đến nay, nhằm tìm lời giải cho bài toán đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tại hội nghị, những “điểm nghẽn” trong thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã được đề cập. Chính phủ, các bộ ngành đã cụ thể hóa nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Sẽ cần thêm thời gian để những chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ đi vào cuộc sống và cho thấy những hiệu quả đầu tiên. Tuy nhiên, việc người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trực tiếp chủ trì một hội nghị, với mục tiêu mời gọi các DN đầu tư vào nông nghiệp cho thấy, sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với lĩnh vực trọng yếu này. Điều này hứa hẹn sẽ là đòn bẩy tích cực, mở đường cho các DN trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực giàu tiềm năng, nhưng cũng còn không ít thách thức là nông nghiệp.