Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghịch lý phim Việt có tiếp diễn?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của phim Việt với loang lổ những gam màu của sự hài hước nhảm nhí, người quan tâm đến điện ảnh không khỏi lo âu: Liệu nghịch lý "Phim càng nhảm càng thu được lắm tiền" có tiếp diễn trong năm 2015?

Một năm cười nhảm

Nhìn vào thị trường phim Việt trong những ngày cuối năm 2014, không ít người khẳng định, dòng phim hài nhảm đã và vẫn đang thống trị. Kiểu làm phim này được khơi nguồn từ mấy năm trước, đến năm 2014 thì bùng nổ và gần như chiếm lĩnh làng phim nội. Từ "Hello cô Ba", "Nhà có 5 nàng tiên", "Yêu em anh dám không?", "Bay vào cõi mộng", "Biết chết liền", cho đến "Nàng men chàng bóng", "Lọ Lem Sài Gòn" cho đến "Bước khẽ đến hạnh phúc", "Quả tim máu", "Để Hội tính"…, hầu như phim nào cũng một đường đi: Đầu tư ít; thực hiện nhanh; "hút khách" bằng cảnh "nóng", tình huống nhảm, tên tuổi "hot" của showbiz…

 
Một cảnh trong phim ''Hello cô Ba''.
Một cảnh trong phim ''Hello cô Ba''.
Làng phim Việt nháo nhào các dự án phim hài. Đến cả Charlie Nguyễn - một đạo diễn được xem là "có nghề", sau "Bụi đời Chợ Lớn" còn phải nản lòng nghĩ rằng sẽ tập trung làm những bộ phim hài, vừa dễ thực hiện, vừa an toàn lại vừa đại thắng về doanh thu. Để rồi "Khi Hội tính" ra mắt, giới làm nghề có người phải bàng hoàng: "Tại sao đạo diễn có nghề như Chalie Nguyễn lại làm một phim hài nhảm như vậy?". Quả thực, không ai có thể xem mãi những "pha" chọc cười "lưỡng tính", có phần thô tục của Thái Hòa trong "Tèo em" hay giản đơn và tế nhị như chuyện hôi nách mà dành cả đoạn phim dài để miêu tả…

Làng phim Việt thỉnh thoảng lại ầm ĩ về vấn đề cảnh “nóng” trong phim. Phải chăng vì chạy theo lối làm phim này nên chưa cạn năm 2014, người ta đã đếm được 7 bộ phim Việt ra rạp trong năm được gắn mác "16+". "Cô dâu đại chiến 2", "Mất xác", "Đoạt hồn", "Hiệp sĩ mù", "Bước khẽ đến hạnh phúc", "Lạc giới"…, phim nào không khêu gợi giới tính thì cũng có yếu tố bạo lực, kinh dị. Ngay cả "Chung cư ma" và "Tốc độ & đường cong" vừa ra rạp dịp Giáng sinh cũng khai thác yếu tố kinh dị và "dựa lưng" vào dàn diễn viên đang "ăn khách" trong showbiz.

Đem vấn đề này ra mổ xẻ, các đạo diễn thường viện lý do được cấp ít kinh phí quảng bá, vì công tác kiểm duyệt phim quá khắt khe, nên các hãng phim phải chọn khai thác các đề tài hài nhảm như liệu pháp an toàn trong thị trường phim hiện tại. Tuy nhiên, đó chỉ là một kiểu "lý sự cùn" của nhà sản xuất.

Bao giờ có điểm dừng?

Lý giải cho những bộ phim mà chủ yếu chỉ loanh quanh khai thác giới showbiz, rồi đại gia, chân dài với biệt thự và xe hơi, NSND Đặng Nhật Minh khá thẳng thắn: "Làm nghệ thuật là phản ánh thực tế mà mình đang sống. Môi trường sống của đội ngũ đạo diễn hiện nay lại chủ yếu là giới showbiz, là các ca sĩ, đại gia… nên họ phản ánh cuộc sống trên phim như vậy là điều dễ hiểu". Còn trong cuộc tọa đàm "Nhà sản xuất phim - Hiện trạng và xu thế phát triển" diễn ra mới đây, người ta còn cho rằng, việc đổ xô làm phim hài nhảm là do suy nghĩ "ăn đong" của nhà sản xuất. Thấy phim đề tài này của nước ngoài ăn khách tại rạp chiếu trong nước nên a dua theo, mà không đầu tư kỹ lưỡng cho nội dung lẫn hình thức.

Quả là chạy theo lối làm phim ấy, nhiều đơn vị sản xuất đã lập được kỷ lục về doanh thu ngoài rạp chiếu. Song nhìn tổng thể bức tranh phim Việt thì thấy rõ sự nhàm chán và nhạt nhòa, đồng nghĩa ước mơ hội nhập và xuất khẩu phim sẽ xa vời. Nói như Giám đốc Hãng phim CoCo Paris Trần Trọng Dần, đừng mãi đổ lỗi "không dám sáng tạo nghệ thuật" vì sợ khâu kiểm duyệt sẽ "cắt đi những đoạn hấp dẫn nhất", làm tác phẩm "biến dạng". Bởi nếu những cảnh "sex" hay gây "sốc" đó được giữ nguyên thì chắc gì phim đã hay hơn, khi đó giản đơn chỉ là những màn câu khách, khỏa lấp cho một sản phẩm kém chất lượng? Ông Dần cho rằng, thay vì kêu và "sợ", hãy nhớ dù làm phim tại Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào cũng phải tuân thủ luật tại đó vì ngay cả các nước có nền điện ảnh phát triển như Mỹ, châu Âu vẫn có những quy định nghiêm ngặt về công tác kiểm duyệt.

Năm 2014 khép lại, bước sang năm mới 2015, dấu hỏi "Nghịch lý điện ảnh có tiếp diễn?" lại đặt ra trước làng điện ảnh Việt. Ai cũng khẳng định, xu hướng làm phim này cần phải thay đổi mới có thể tạo ra một thị trường phim thực sự mang bản sắc Việt, để lại dấu ấn, đồng thời định hướng văn hóa, thẩm mỹ cho công chúng. Song điểm dừng đặt ở đâu thì chưa có câu trả lời chính xác. Cục Điện ảnh dự kiến, tháng 2/2015 sẽ có hệ thống phân loại phim chi tiết, thay vì chỉ có 2 loại phim cho tất cả khán giả và phim "16+" như hiện nay. Liệu những động thái như thế có làm giảm yếu tố "nhảm" trong phim Việt?