Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghiêm cấm việc đổ chất thải rắn không đúng thời gian

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vận chuyển chất thải rắn thông thường không che chắn, làm rơi vãi, bụi, bẩn đường phố, nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường… là một trong các hành vi bị cấm.

UBND TP Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực chất thải rắn thông thường trên địa bàn 10 quận và 1 thị xã; Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực chất thải rắn thông thường trên địa bàn 18 huyện.
 
Nghiêm cấm việc đổ chất thải rắn không đúng thời gian - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa.

Theo Quyết định số 16/2013/QĐ-UBND, các hành vi bị nghiêm cấm gồm: Vứt, đổ chất thải rắn thông thường không đúng thời gian và không đúng nơi quy định; đổ chất thải rắn thông thường ra vỉa hè, lòng đường, đổ ra hệ thống thoát nước, sông, hồ, công viên, vườn hoa, hệ thống đê điều và nơi công cộng; để chất thải rắn xây dựng ngoài phạm vi thi công gây cản trở giao thông, gây ô nhiễm môi trường, bụi, bẩn và làm hư hỏng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; vận chuyển chất thải rắn thông thường không che chắn, làm rơi vãi, bụi, bẩn đường phố, nơi công cộng, gây ô nhiễm môi trường. Các đơn vị thực hiện vệ sinh môi trường thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường không đúng quy trình công nghệ được phê duyệt; thu gom, vận chuyển chất thải rắn thông thường không đúng thời gian quy định gây ùn tắc giao thông; để chất thải rắn sinh hoạt lưu cữu làm ảnh hưởng tới vệ sinh môi trường, không thực hiện vệ sinh thùng thu gom chất thải rắn sinh hoạt theo quy trình.
 
UBND Thành phố khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường; đầu tư xây dựng, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải rắn thông thường.
 
Theo Bộ TN&MT, lượng chất thải rắn ngày càng gia tăng với mức tăng bình quân khoảng 10% mỗi năm và thành phần ngày càng phức tạp. Trong đó, khoảng 46% chất thải rắn phát sinh từ các đô thị, 17% từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, còn lại là từ khu vực nông thôn, làng nghề và lĩnh vực y tế. Dự báo đến năm 2015, tỷ lệ chất thải rắn tại đô thị tăng tới 51%, từ các hoạt động sản xuất công nghiệp tăng tới 22%. Kèm theo mức tăng này, mức độ độc hại sẽ tăng lên.