Theo cổng thông tin Chính phủ, trong tối 23/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam và gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam cùng một số trí thức, nhà khoa học trẻ người Việt Nam tại Nhật Bản.
Thủ tướng chứng kiến trao văn bản hợp tác giữa công ty DIC và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản. Ảnh: VGP |
Các đại biểu thông báo về tình hình đời sống, học tập, sinh hoạt và làm việc tại nước sở tại; khẳng định lòng tự hào dân tộc, tình cảm sâu sắc với quê hương, đất nước với những hành động thiết thực, cụ thể, đặc biệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian vừa qua; bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phát triển mạnh mẽ và tương lai ngày càng tốt đẹp của đất nước trong giai đoạn tới. Đồng thời, các đại biểu nêu một số đề xuất kiến nghị liên quan tới mở lại đường bay Việt Nam-Nhật Bản, dạy Tiếng Việt cho con em kiều bào…
Nhiều câu chuyện xúc động được chia sẻ tại cuộc gặp mặt, như các sinh viên Việt Nam hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong lúc dịch bệnh phức tạp, công việc làm thêm của các em bị ảnh hưởng. Cộng đồng người Việt sẽ luôn nỗ lực, cố gắng vươn lên và đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, đóng góp cho nước sở tại và quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Trao đổi về các kiến nghị của bà con, Thủ tướng cho biết đã giao các cơ quan nghiên cứu, mở lại đường bay giữa Việt Nam-Nhật Bản trên quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Thủ tướng cũng ghi nhận kiến nghị liên quan tới bộ sách giáo khoa Tiếng Việt cho con em kiều bào, giao các cơ quan xử lý cụ thể bởi đây là nhu cầu rất chính đáng của bà con.
Thủ tướng ký tên lên quả bóng đá giải đấu giao hữu giữa cộng đồng người Việt tại Nhật. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng cảm ơn kiều bào đã dành thời gian, đi từ nhiều nơi rất xa tới Tokyo tham dự cuộc gặp mặt. Chia sẻ với đồng bào về truyền thống văn hóa-lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta trải qua nhiều năm chiến tranh với nhiều gian khổ, hy sinh mới giành được độc lập, thống nhất đất nước, lại trải qua thời gian bao vây, cấm vận kéo dài, sau đó mới tiến hành công cuộc đổi mới từ năm 1986.
Từ lúc rất khó khăn khi bắt đầu đổi mới, “làm không đủ ăn, xuất không đủ nhập, thu không đủ chi”, thu nhập bình quân đầu người chỉ 100 USD, đến nay, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, quy mô GDP đứng thứ 4 trong ASEAN, thu nhập bình quân đầu người 3.500 USD. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do COVID-19, song kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, với cách tiếp cận đúng đắn, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi cả nước và chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Sau hơn một tháng chuyển trạng thái, tình hình kinh tế-xã hội đất nước khởi sắc, xuất nhập khẩu tăng, xuất siêu trở lại, thu hút FDI tăng… Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ những người dân có đời sống gặp khó khăn do dịch bệnh.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có kiều bào tại Nhật Bản, trong công cuộc xây dựng đất nước nói chung và phòng chống dịch bệnh, bà con dù còn những khó khăn nhưng luôn hướng về Tổ quốc. Thủ tướng nhấn mạnh một chân lý là càng trong khó khăn, thách thức, người Việt Nam càng đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên và tất cả mọi chiến thắng đều là của nhân dân.
Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi cộng đồng người Việt tại Nhật Bản lớn mạnh nhanh chóng thời gian qua, gắn kết chặt chẽ với nước sở tại. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản đã lên tới khoảng 450.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản.
“Dù đi đâu, làm gì chúng ta cũng tự hào về con người Việt Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh vấn đề an ninh con người và phát huy giá trị con người, lấy con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, là trung tâm, là chủ thể của sự phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.