Tham dự Hội nghị có đại diện nhiều bộ, ban, ngành T.Ư, địa phương, các hiệp hội, DN, hợp tác xã…
Tăng thực phẩm bù đắp thịt lợn
Năm 2019, ngành nông nghiệp đối diện nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động gây thiệt hại chưa từng có của dịch tả lợn châu Phi. Gần 6 triệu con lợn bị tiêu hủy với tổng trọng lượng 343.000 tấn (chiếm 9% tổng sản lượng thịt cả nước).
Trước diễn biến dịch tả lợn châu Phi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp. Đặc biệt, Chính phủ đã bố trí ngân sách hơn 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay. Hiện, 71% tổng số xã có dịch thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, TP đã qua 30 ngày. Đặc biệt, hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã hết dịch.
Cùng với nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, Bộ NN&PTNT đã sớm chủ trương phát triển chăn nuôi gia súc lớn, gia cầm và thủy sản thay thế. Đến nay, sản lượng các ngành hàng đều tăng so với năm 2018. Cụ thể, gia cầm đạt 1,3 triệu tấn, tăng 15%; thịt bò đạt 0,35 triệu tấn, tăng 4,4%; trứng đạt 13,0 tỷ quả, tăng 12%; thủy sản đạt 8,2 triệu tấn, tăng 5,6%...
Trong bối cảnh sản lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả châu Phi, tổng sản lượng các loại thực phẩm khác đã tăng hơn 400.000 tấn so với năm 2018. Một phần phục vụ cho tăng trưởng, một phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm thay thế thịt lợn.
Hiện, Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo tái đàn. Tại nhiều địa phương như: Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Bình…, công tác này đang được thực hiện tương đối hiệu quả trên cơ sở kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh.
Đồng bộ giải pháp giảm giá thịt lợn
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mất mùa, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng triệu nông dân. Chính vì vậy, đây là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà ngành NN&PTNT đã đạt được trong bối cảnh nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi hoành hành, gây thiệt hại lớn. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đã được hạn chế tối đa. Đối với nhiệm vụ này, Bộ NN&PTNT cũng đã thể hiện được trách nhiệm trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo.
Nhấn mạnh năm 2020, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục tập trung, chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm từng bước khống chế dịch bệnh.
Liên quan tới tình hình thịt lợn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành, trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường, cần thiết thì phải nhập khẩu thịt lợn để giảm giá thành, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là khi Tết Canh Tý 2020 cận kề.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ lợn trái phép. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp cơ sở sản xuất, hộ chăn nuôi cố tình “găm hàng”, thổi giá lợn lên cao, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trục lợi do dịch tả châu Phi.
Tiếp tục nâng cao đời sống nông dân
Bên cạnh chỉ đạo liên quan đến dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị ngành NN&PTNT tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Khai thác và tận dụng tốt lợi thế, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao.
Đánh giá cao sự phát triển của lĩnh vực chế biến trong năm 2019, Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường xuất khẩu với chuỗi giá trị toàn cầu. Nỗ lực nâng cao chất lượng và chữ tín cho nông sản Việt Nam trên thị trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tập trung tháo gỡ nút thắt trong thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, hỗ trợ người nông dân. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp nông thôn, tăng cường quản lý tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn.