Tác hại của rượu, bia chẳng ai không biết, thế nhưng nhiều người vẫn coi thường sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình. Và đến hẹn lại lên, cứ mỗi sau kỳ nghỉ lễ, khoa Cấp cứu các bệnh viện (BV) lại tấp nập bệnh nhân TNGT, ngộ độc rượu...
Hối hận muộn màng
Đã gần một năm kể từ ngày nhập viện cấp cứu vì sốt xuất huyết dạ dày do sử dụng rượu, bia quá nhiều, đến giờ nghĩ lại, anh Nguyễn Văn C. (Thanh Trì, Hà Nội) vẫn chưa hết rùng mình. Đợt nghỉ Tết Dương lịch đầu năm 2016, anh đã tham gia không biết bao nhiêu cuộc vui, từ họp lớp cấp 3, họp lớp đại học, rồi lại tụ tập anh em ở cơ quan, bạn bè hàng xóm… Cuộc vui nào anh cũng “hết mình” vì nghĩ có tửu lượng khá và sức khỏe tốt. Hậu quả, ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ, anh đã phải nhờ đồng nghiệp đưa đi cấp cứu vì bị đau bụng dữ dội. Hay như trường hợp của anh Nguyễn Văn T. (Sơn Động, Bắc Giang), 10 năm nay ngày nào cũng uống hết từ 0,5 - 1 lít rượu. Thế rồi, cuối tháng 11 vừa qua, anh đã phải nhập viện cấp cứu tại BV Bạch Mai trong tình trạng viêm tụy cấp, suy đa tạng.
Theo bác sĩ Đào Xuân Cơ - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai, thời gian gần đây, BV liên tục tiếp nhận các trường hợp bị viêm tụy cấp, tổn thương phổi, gan, suy gan, trụy mạch, rối loạn đông máu… do uống rượu, bia quá nhiều. Không ít trường hợp điều trị tốn kém cả trăm triệu đồng, sau khi ra viện mang những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe. “Có những người khi thoát khỏi “cửa tử”, tỉnh lại thì hối hận cũng đã muộn” - bác sĩ Cơ cho biết. Bên cạnh đó, số người chết vì TNGT do sử dụng rượu, bia được Ủy ban ATGT quốc gia thống kê hàng năm không hề nhỏ. Nhiều người tàn tật suốt đời sau tai nạn, để lại nỗi ám ảnh cho chính họ và nỗi đau cho gia đình, người thân, gánh nặng của xã hội.
Uống đúng mực, vui đúng lúc
Tác hại của rượu, bia ai cũng rõ, thế nhưng cứ vào dịp nghỉ lễ, Tết, số người nhập viện vì ngộ độc rượu, bia, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia vẫn tăng lên qua các năm. Đặc biệt, theo thông tin của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) mới đây, tỷ lệ nữ giới uống rượu, bia đang có xu hướng gia tăng. “Không ở đâu mua rượu dễ như ở Việt Nam . Rượu bán ở mọi nơi, không có nguồn gốc rõ ràng như rượu tự nấu, rượu lậu lại rất phổ biến. Không kiểm soát được độ tuổi mua rượu, hầu như mọi đối tượng có nhu cầu đều có thể mua được rượu dễ dàng” - TS Trương Đình Bắc - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng bày tỏ lo ngại.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, uống ruợu, bia cần đúng mực và đúng lúc. Theo đó, để giảm thiểu nguy cơ đối với sức khỏe và xã hội, không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ngày với nam, 1 đơn vị cồn/ngày với nữ, và không uống quá 5 ngày/tuần. Không sử dụng rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện xe cơ giới, vận hành máy móc, có thai, điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có tình trạng bệnh lý mà rượu, bia làm cho nặng lên.
Để giảm thiểu thấp nhất hậu quả mà rượu, bia gây ra, bà Phạm Thị Hoàng Anh - Giám đốc Tổ chức HealthBridge tại Việt Nam cho rằng, cần phải đẩy mạnh tăng cường truyền thông về tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe và gánh nặng kinh tế của sử dụng rượu, bia đối với hộ gia đình, tập trung cho vùng nông thôn và dân tộc thiểu số. Tăng thuế và giá rượu, bia để giảm sức mua rượu, bia là giải pháp tốt trong giảm tiêu thụ rượu, bia đã được các nước trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả cao. Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia cần được lồng ghép vào các chương trình bình đẳng giới và xóa đói giảm nghèo.
Theo thống kê, tổng chi tiêu cho rượu, bia của Việt Nam là 16.372 tỷ đồng, số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo, đủ để nuôi sống gần 21 triệu người/năm. |