Một chị khách hàng của tôi kể, chị đã rất đau khổ khi biết chồng có người phụ nữ khác nhưng không thể “bắt được tay day được cánh”. Chị thuê thám tử tư đi rình chồng để bắt tại trận nhưng “trận chiến” lại không xảy ra. Sau khi ngồi quán cà phê chuyện trò rì rầm một lúc, chồng chị và cô ấy chia tay nhau vui vẻ. Đáng ghét nhất là anh ấy dắt xe ra khỏi quán và mở cốp xe lấy mũ bảo hiểm đội lên đầu cô ấy. Còn “bày đặt” sửa lại cái khẩu trang cho cô ta để khỏi “bụi bay vào”. Cái kiểu chu đáo và ân cần ấy hệt như anh vẫn làm khi anh chị mới yêu nhau. Nay thi thoảng lắm anh mới dắt xe ra khỏi nhà và đá cái chân chống xe cho vợ. Chị không thể lu loa là anh đi với người phụ nữ khác. Vì “có gì đâu” mà làm ầm lên. Trong thâm tâm, chị hiểu rõ anh “đang có bồ”. Anh về nhà trễ hơn và hay có hẹn đột xuất. Anh thường lảng tránh những chuyện đùa vui giữa hai vợ chồng, nhất là chuyện dính đến người thứ ba. Hình như từ ngày có người thứ ba anh “tử tế” với vợ hơn, thỉnh thoảng còn nịnh vợ. Ngày trước ít khi anh nghĩ anh là người may mắn, nay đôi lúc anh “buột miệng” tự khen “số đỏ” của mình. Nếu nói anh hờ hững với vợ cũng không đúng, vì dạo này chuyện vợ chồng anh có cố gắng hơn. Nói như vậy không có nghĩa là từ ngày anh có người thứ ba, gia đình dễ chịu hơn. Sự ghen tuông và nơm nớp sợ đổ vỡ luôn rình rập chị. Lúc nào chị cũng thấy chồng mình có vẻ “gian gian”. Đôi lúc chị tặc lưỡi, “cho chồng thở một chút” để tự trấn an, nhưng khựng lại ngay vì “nhỡ họ làm tới thì… chết”. Chị mất ăn mất ngủ vì nghi ngờ và “sợ mất”. Chị cũng đã kiểm tra tin nhắn trong điện thoại của chồng. Tên người ấy chồng ghi vào danh bạ bằng hai chữ “không biết”. Những tin nhắn rất nhẹ nhàng và đơn giản. Tin nhắn đến: “Về nhà chưa? Ướt không?”. Tin nhắn gửi đi: “Về nhà rồi, yên tâm, ướt làm sao được!”. Rồi: “Ngủ ngon nhé!”. Trả lời: “Dại gì mà không ngon cơ chứ!”. Chị cố tìm ra một sự ướt át, nịnh nọt hay dỗ dành nhưng tin nhắn qua lại đều không có chủ ngữ, vị ngữ và cũng không yêu thương, nhung nhớ, thề thốt gì. Thỉnh thoảng lại còn quan tâm đến các thành viên trong gia đình, việc học hành của mấy đứa nhỏ. Chị cứ muốn tìm ra một bằng chứng nào đó để chứng minh cho sự nghi ngờ của mình. Chị muốn chồng mình “có tội”, dù cái tội đó sẽ làm chị đau lòng và gia đình có thể tan nát. Thế nhưng, đến khi mặt đối mặt với “người ấy” của chồng, chị vẫn không thể kết tội chồng và không gọi tên tội của người đó được. Họ vẫn gặp nhau nơi một quán cà phê đông người, khi thì chỉ hai người, khi lại có thêm vài người bạn khác, nên thật khó “làm ầm lên”. Trường là bác sĩ nội khoa ở một bệnh viện công nên rất bận rộn. Cái dáng cao cao, gương mặt trẻ trung và nụ cười hiền hậu, chẳng ai nghĩ anh đã xấp xỉ tuổi 50. Từ sau khi lập gia đình, anh vẫn nghĩ cuộc đời mình sẽ trôi qua êm đềm với người vợ giỏi giang, xinh đẹp. Không ngờ một ngày, anh phải lòng cô giáo dạy văn của con gái mình. Cũng từ ngày đó, anh ăn mặc chải chuốt hơn, tìm cách hẹn hò với cô, gọi cô là cô giáo của “hai bố con”. Chuyện của hai người lúc đầu chỉ là chuyện học của con, rồi lan man sang chuyện học của bố, của cô, của cả “vợ bố”. Trong câu chuyện, họ vẫn nhắc tới “ông xã, bà xã” của hai bên nhưng không ai nói xấu “người của mình”. Ranh giới khó phân Những cuộc hẹn hò của hai người hao hao các cặp tình nhân khác, nhưng nếu bận quá hoặc không sắp xếp được thì họ cũng không giận dỗi hay trách móc nhau. Ai cũng biết, ngoài mình ra người kia còn có gia đình phải lo. Mình chỉ là một phần trong cuộc đời của người ấy mà thôi. Những người “ngoại tình chay” như có những thỏa thuận ngầm riêng. Họ biết, nếu lấy nhau “chắc gì đã sướng”, nhưng họ lại thấy cần có nhau. Có là để cho cuộc sống thi vị và ngọt ngào hơn. Có là để thấy “mình vẫn còn giá trị”… Không phải “ngoại tình chay” là không có cảm xúc dạt dào. Một ngày không gặp cũng nhớ, cũng mong, nhưng vì biết mình không phải là mối quan tâm duy nhất nên dễ tha thứ và ít giận hờn hơn. Đôi lúc bực mình cũng chỉ dỗi hờn vài ba câu bóng gió, lấp lửng. Vì đã xác định là “không thể tới đâu cả”, nên họ không cho phép mình được “lấn sân”. Những cuộc hẹn của những người “ngoại tình chay” thường vào những giờ không phải của gia đình. Họ là những người “độc thân ban ngày”, tối thì ai về nhà nấy. Cũng không phải là họ không muốn kéo dài thời gian riêng tư bên nhau nhưng ai cũng sợ mình vượt quá giới hạn ban đầu. Họ không nói ra nhưng như đã ngầm xác định với nhau là không có “chuyện ấy” trong mối quan hệ này. Có thể như thế sẽ thấy bớt áy náy với vợ, với chồng; không mang tiếng ham của này, của nọ. Họ có cớ để thanh minh rằng tất cả là trong sáng nên không thể gọi là ngoại tình. Có chăng chỉ là gia vị cho cuộc sống. “Ngoại tình chay” chỉ khác đôi chút những loại ngoại tình mà ta thường gặp. Ngoại tình tư tưởng là thường xuyên suy nghĩ đến, yêu đương nồng nàn và mong muốn có một người; rồi đem so sánh với người của mình và thấy “một trời một vực”. Ngoại tình thể xác là mối quan hệ để đáp ứng nhu cầu về tình dục, đôi khi không quan tâm lắm đến việc người đó tốt xấu hay tử tế với mình. Ngoại tình “chính hãng” là ngoại tình có cả tình yêu và tình dục; yêu đương đến mức muốn đổi hết tất cả những gì mình đang có. “Ngoại tình chay” là thứ ngoại tình dễ “lấp liếm” và “chối tội” nhất. Nếu gọi là bạn thì là bạn rất thân và có thể chia sẻ rất nhiều thứ. Ngoài chia sẻ, lại còn có nỗi nhớ cồn cào có khát khao gặp gỡ... Nhưng, nếu bị buộc vào cái tội ngoại tình, thì có thể chối phăng vì không đủ bằng chứng. Có làm gì giống “vợ chồng” đâu mà bảo ngoại tình? Từ “mặn” chuyển sang “chay” e rằng rất khó, nhưng từ “chay” chuyển sang “mặn” chỉ cần một phút lơ là. “Ngoại tình chay” hay “ngoại tình mặn” đều là ngoại tình. Khi đã “ngoại tình” thì “nội tình” chắc chắn sẽ bị lung lay và dễ dẫn đến đổ vỡ.