Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngổn ngang những lo âu tuyến đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái đã gần như hoàn tất.

Tuy nhiên, việc xây, sửa lại nhà cửa của người dân hai bên tuyến đường cho đồng bộ, đảm bảo mỹ quan đô thị lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Có nhà vẫn phải đi thuê

Quan sát thực tế dọc hai bên tuyến đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, điều dễ nhận thấy là có rất nhiều ngôi nhà vẫn giữ nguyên hiện trạng sau GPMB. Phần đất bàn giao cho dự án đã thành đường, hè; nhà cửa còn lại méo mó, chật hẹp, tường móng bị đập nham nhở, lộ cả sắt thép. Thậm chí, có những căn nhà bề ngang không quá vài bước chân, chỉ kê vừa cái giường. Không thể xây dựng lại để sinh sống, người dân đành quây tôn hoặc đóng cọc bê tông để giữ đất rồi… bỏ đấy đi thuê nhà ở.
Trên tuyến đường Vành đai 1 đã bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng. Ảnh: Vũ Lê
Trên tuyến đường Vành đai 1 đã bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà siêu mỏng. Ảnh: Vũ Lê
Theo tìm hiểu của phóng viên, đa số hộ dân bị thu hồi đất phục vụ dự án đường Vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái thuộc các phường Bạch Đằng, Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng đều là người lao động nghèo, đông con. Bà Nguyễn Thị Thảo, ở số 35 Lương Yên cho biết: “Trước khi GPMB, nhà tôi rộng hơn 50m2. Khi mở rộng đường được đền bù hơn 20m2 đất với giá 26 - 27 triệu đồng/m2, tính ra tiền vào khoảng trên 500 triệu đồng. Nhưng gia đình có tới 5 người con cùng chung sống, 30m2 còn lại không đủ sinh hoạt, xây cao lên thì không đủ tiền. Tôi đành chia tiền cho các con để chúng tự đi thuê nhà”. Đây cũng là hoàn cảnh của rất nhiều hộ dân tại tuyến phố Lương Yên.

Ngoài những hộ không đủ điều kiện kinh tế, một số hộ có nhu cầu xây, sửa nhà thì lại không thể xin được giấy phép xây dựng do không có “sổ đỏ”. Nhiều hộ dân cho biết, trước đây đã làm hồ sơn xin cấp “sổ đỏ” nhưng chính quyền giải thích đây là khu vực trong quy hoạch mở đường nên không được cấp. Tới nay, đường đã làm xong, nhà cửa nằm trong chỉ giới đã được giải tỏa, người dân vẫn phải chờ các thủ tục “quy hoạch, giấy phép…” để được xây dựng. Một số hộ dân “chẳng đặng đừng” đã buộc phải tự ý cải tạo, xây sửa “chui” nhà để ở.

Loay hoay với thực tại

Năm 2013, Sở QH - KT Hà Nội đã ban hành Quy định tạm thời về quản lý xây dựng, kiến trúc các công trình hai bên tuyến đường Vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái. Trong đó có các phương án thiết kế chỉnh trang và bản vẽ minh họa kiến trúc công trình bề mặt hai bên tuyến đường này, mục đích để tránh phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo, đảm bảo đồng bộ cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, rất ít người dân nắm được quy định này dẫn đến tình trạng nhiều hộ tự ý xây sửa, sai thiết kế chung, phá vỡ quy hoạch hiện đang bị “ách” lại. Và rồi chính những công trình “dị dạng”, dở dang này lại đang khiến cảnh quan tuyến đường trở nên nhếch nhác, xấu xí.

Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thu Ánh khẳng định: “Quy định của TP đã có. Người dân có nhu cầu xây dựng, sửa chữa trước hết phải tuân thủ Quy định thì mới được tạo điều kiện cấp phép”. Thế nhưng rõ ràng công tác tuyên truyền, giải thích chưa đạt hiệu quả nên người dân vẫn mạnh ai nấy làm hoặc buộc phải bỏ đi thuê nhà nơi khác để sinh sống. Hầu hết người dân khu vực này đều đang băn khoăn tự hỏi: “Làm thế nào có được giấy tờ, hồ sơ đúng thủ tục quy trình khi “sổ đỏ” chưa có? Và phải làm thế nào mới được cấp phép xây, sửa nhà cửa?”. Ngoài ra, sự thiếu kiên quyết trong việc thu hồi những mảnh đất không đủ điều kiện xây dựng cũng là nguyên nhân dẫn đến phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến đường Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, gây mất mỹ quan đô thị. Ông Vũ Văn Bổng, sống tại số 39, tổ 1C, phường Thanh Lương ngao ngán nói: “Cuộc sống của chúng tôi hiện nay rất chật vật. Chân đường cao, chắn sát vào cổng nhà, muốn sửa lại nhà cho cao bằng mặt đường nhưng “sổ đỏ” chưa có nên không được cấp phép”. Ông Bổng cũng cho biết, chính quyền từ phường đến quận cũng không thấy có hướng dẫn gì cho dân về việc xây, sửa nhà.