Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngóng báo cáo quan trọng của Fed, chứng khoán Mỹ tiếp tục phá kỷ lục

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite vẫn lập kỷ lục mới trong phiên ngày 21/5 dù giao dịch diễn ra khá trầm lắng trước khi Fed công bố báo cáo cuộc họp chính sách tháng 5.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới trong phiên 21/5. Ảnh: Reuters
Chứng khoán Mỹ tiếp tục lập kỷ lục mới trong phiên 21/5. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Ba, chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,22% lên 16.832,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,25% đạt mức 5.321,41 điểm. Chỉ số Dow Jones nhích 0,17% lên 39.872,99 điểm.

Đây là mức điểm đóng cửa cao kỷ lục của hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite. Dù xu hướng tăng chậm lại, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ liên tục phá đỉnh mới trong những phiên gần đây nhờ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách trong năm nay và hiệu ứng của cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong phiên này, giới đầu tư tiếp tục hưng phấn trước khi “ông lớn” chip Nvidia công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 vào ngày 22/5.

Cổ phiếu của hãng bán dẫn lớn nhất thế giới leo dốc 0,6% trong phiên này, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 92% và nhảy vọt hơn 200% trong 12 tháng qua. Đà bứt phá ấn tượng của Nvidia giữ vai trò quan trọng dẫn dắt xu hướng tăng điểm trên thị trường Phố Wall.

Chiến lược gia trưởng Matt Rowe của Công ty Nomura Private Capital nhận định với hãng tin CNBC: “Dường như các nhà giao dịch đều không muốn bỏ lỡ cơ hội nắm giữ cổ phiếu Nvidia trong trường hợp hãng chip này đưa ra một báo cáo tài chính khả quan. Tuy nhiên, nếu báo cáo cho thấy tăng trưởng chững lại, cổ phiếu Nvidia có thể bán tháo ồ ạt”.

Cổ phiếu của Palo Alto Networks giảm 3,7% trong phiên 21/5. Mặc dù vượt dự báo về cả doanh thu và lợi nhuận trong quý tài chính thứ ba, công ty an ninh mạng lại đưa ra dự báo cho quý hiện tại chỉ tương đương với dự báo của các nhà phân tích do LSEG thăm dò.

Cũng trong ngày  22/5, Fed sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 5. Thông qua tài liệu này, nhà đầu tư sẽ tìm kiếm những tín hiệu về thời điểm mà Fed có thể bắt đầu đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ hiện tại, cũng như số đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng đánh giá những phát biểu cứng rắn về chính sách tiền tệ của các quan chức Fed.

Thống đốc Fed Christopher Waller hôm 21/5 cho biết, ông muốn chứng kiến dữ liệu lạm phát tiếp tục giảm trong “vài tháng” nữa trước khi Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Dù vậy, ông Waller cũng bác bỏ khả năng Fed tăng lãi suất thêm lần nữa, khi nhận định rằng các số liệu kinh tế gần đây cho thấy chính sách tiền tệ thắt chặt đang phát huy tác dụng.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta, ông Raphael Bostic, cho rằng Fed cần thận trọng trước khi bắt đầu nới lỏng chính sách vì việc giảm lãi suất có thể dẫn tới gia tăng nhu cầu tiêu dùng và đẩy lạm phát tăng trở lại.

“Fed đã sẵn sàng cho đợt giảm lãi suất lần đầu tiên trong năm nay, nhưng cơ quan này vẫn còn thận trọng. Đó là những điều có thể rút ra từ cuộc họp gần đây nhất của Fed. Việc này cũng giống như khi một đứa trẻ xin bố mẹ cho đi chơi công viên Disney World và nhận được câu trả lời “để xem thế nào đã”. Ít nhất là họ cũng không từ chối” - nhà quản lý danh mục Robert Pavlik của công ty Dakota Wealth nhận định với Reuters.

Theo chiến lược gia đầu tư trưởng Sam Stovall của CFRA Research ở New York, Fed vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào dữ liệu trong khi Phố Wall vẫn kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Theo Công cụ FedWatch của CME, các thị trường hiện đang đặt cược 64,8% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản ở mức 0,25% tại cuộc họp chính sách vào tháng 9.