Đồng loạt giảm giá
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi 500 con lợn thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu đứng ngồi không yên vì giá lợn xuống thấp. Anh cho biết, hiện giá lợn xuất chuồng chỉ khoảng 41.000 - 42.000 đồng/kg, giảm 7.000 - 8.000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm. Mỗi tháng anh Lâm xuất chuồng 70 - 80 con lợn, với mức giá như hiện nay, thu nhập của gia đình anh giảm đáng kể. "Giá thành chăn nuôi lợn khoảng 40.000 đồng/kg nên người chăn nuôi vẫn có lãi nhưng không đáng kể. Tuy nhiên những hộ nào phải vay vốn ngân hàng để chăn nuôi thì không còn lãi" - anh Lâm chia sẻ.
Cũng trong tình cảnh tương tự, ông Đặng Đình Lộc, chủ trang trại chăn nuôi hơn 4.000 con gà đẻ xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ cho biết, giá trứng loại 1 hiện nay khoảng 1.700 đồng/quả, loại 2 từ 1.600 - 1.650 đồng/quả. Mức giá này giảm 500 - 600 đồng/quả so với thời điểm trước. Ông Lộc tính toán, chi phí thức ăn cho mỗi con gà lên tới 1.100 đồng/ngày, cộng với tiền thuốc men, điện... lên khoảng 1.400 đồng/ngày. Như vậy, nếu đàn gà đẻ tốt (tỷ lệ cho trứng đạt 80 - 90%) thì người chăn nuôi mới có lãi, còn lại thì chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ.
Giá thịt, trứng giảm mạnh khiến người chăn nuôi lo lắng. Ảnh: Trần Việt
Ngoài thịt lợn, trứng, giá lợn giống và thịt gà cũng giảm mạnh. Cụ thể, giá lợn giống hiện ở mức 1 - 1,1 triệu đồng/con 6 - 7kg (giảm 200.000 đồng/con). Giá thịt gà trắng công nghiệp chỉ khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 5.000 đồng/kg;... Theo các hộ chăn nuôi, nguyên nhân giảm giá là do thời điểm sau Tết lượng tiêu thụ thực phẩm giảm, nhu cầu sử dụng thịt, trứng phục vụ chế biến bánh kẹo cũng giảm mạnh...
Chia sẻ gánh nặng
Trong khi giá thịt, trứng quay đầu giảm thì giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) vẫn ở mức cao và đang có xu hướng tăng thêm. Hiện giá cám công nghiệp cho lợn thịt ở mức 300.000 đồng/bao 25kg, tăng 500 đồng/kg. Giá cám cho gà đẻ tăng 500 đồng/kg.
Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam, hiện nay mỗi năm chúng ta phải nhập 8 - 9 triệu tấn nguyên liệu TĂCN. Ngoài phí vận chuyển, những lô hàng này còn phải "gánh" nhiều loại phí khác như phí bốc lên cảng, kiểm dịch thực vật, hải quan,... khiến cho giá TĂCN ở nước ta cao hơn một số nước trong khu vực.
Điều đáng lo ngại, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và công ty liên doanh chiếm tới 60% thị phần TĂCN trong nước. Chính vì vậy, Nhà nước cần kiểm soát tốt hơn thị trường TĂCN trong nước, tránh tình trạng "làm giá" của các doanh nghiệp lớn. Đồng thời có chính sách tháo gỡ về nguồn vốn cho các doanh nghiệp TĂCN vừa và nhỏ trong nước đẩy mạnh sản xuất và liên kết với người nông dân, chủ trang trại theo quy trình khép kín để giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, Bộ NN&PTNT xác định tập trung chăn nuôi theo hai hướng trang trại công nghiệp và nông hộ. Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), chăn nuôi trang trại đòi hỏi quỹ đất và vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, với giá cả biến động lên xuống như hiện nay, cộng với việc sản phẩm chăn nuôi nhập lậu vẫn tràn vào nước ta, mô hình chăn nuôi hộ gia đình theo hướng an toàn, có kiểm soát dịch bệnh sẽ phát huy được hiệu quả. Do đó, các địa phương cần tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn người nông dân áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Các hộ chăn nuôi đều bày tỏ mong muốn Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn nữa gia cầm, trứng nhập lậu qua biên giới. Đồng thời điều tiết hợp lý lượng thịt nhập khẩu theo đường chính ngạch để bảo hộ chăn nuôi trong nước. |