Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người dân ngoại thành ăn Tết Độc lập

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ xưa trong đời sống của người dân đồng bằng Bắc Bộ, gần như tháng nào trong năm cũng có lễ tết. Ngoài Tết Nguyên đán, rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu, sang tháng ba Tết Hàn thực, tháng 5 Tết Đoan Ngọ… Sau năm 1945, đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và người dân cả nước nói chung còn có Tết Độc lập 2/9.

 Cờ hoa trang trí trên đường phố Hà Nội chào mừng 75 năm Quốc khánh Việt Nam. Ảnh: Chiến Công
Ngày Tết đặc biệt
Tuy không kéo dài như Tết Nguyên đán, nhưng Tết Độc lập hàng năm vẫn là ngày người dân được nghỉ ngơi, nên tâm lý chung của các gia đình đều sửa soạn, quét dọn nhà cửa sạch sẽ, sắp xếp đồ đạc gọn gàng. Và trên ban thờ, gần như nhà nào cũng bày biện mâm cơm tươm tất để vọng tổ tiên, cầu cho quốc thái, dân an, tưởng nhớ công ơn Bác Hồ kính yêu.
Vào những năm ngày Quốc khánh liền kề ngày nghỉ, người dân chuẩn bị đón Tết Độc lập với sự thịnh soạn tăng lên gấp bội, thậm chí nhiều nơi, các gia đình trong tổ xóm còn chung nhau “đụng” lợn, nhiều nơi mổ bò để ăn mừng, không khí chuẩn bị huyên náo không kém gì Tết Nguyên đán.
Tết Độc lập của người dân thôn Trại Trung (xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ) là một trong những cái Tết như thế. Ở cái xóm trại ven dòng sông Đáy chỉ vỏn vẹn vài chục nóc nhà; lối vào thôn vẫn là con đường đất, nhưng trước đó đã được người dân cùng nhau phát quang cây cỏ, quét dọn sạch sẽ, hai bên đường rực rỡ cờ đỏ sao vàng.
Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, hàng ngày ai cũng tất bật mưu sinh, nhưng trước Tết Độc lập một hôm, không ai bảo ai, cả xóm đều ở trong tâm thế phấn khởi để đón chào một ngày lễ rất đặc biệt. Một bữa liên hoan chung được chuẩn bị, những hoạt động văn nghệ tập thể diễn ra, vừa tạo không khí sum họp cho cả xóm, tăng tình đoàn kết, cũng là dịp để người lớn nói cho những đứa trẻ về ngày Quốc khánh, những trang sử hào hùng của dân tộc.
Không riêng gì người dân thôn Trại Trung, vào 2/9, khắp các vùng quê ngoại thành, chỗ nào cũng rực rỡ cờ đỏ sao vàng. Nhà có điều kiện thì tranh thủ đưa gia đình đến các điểm tham quan, khu du lịch, nhưng đa phần người dân chọn phương án vui Tết Độc lập tại quê nhà. Không khí ngày Tết Độc lập lan tỏa đến từng nếp nhà, gác lại những âu lo thường nhật…
Đoàn viên ngày Độc lập
Cũng giống như nhiều vùng quê khác, thanh niên ở các huyện ngoại thành thường chọn khu vực nội thành hoặc các khu, cụm công nghiệp là nơi làm việc. Có thể khoảng cách từ nội đô về nhà cũng không quá xa, nhưng nhiều người cũng sinh sống ngay gần khu vực làm việc để thuận tiện. Nhưng đến Tết Độc lập, cái không khí bình yên thường nhật ở các vùng quê bỗng náo động một cách lạ thường khi được đón những người con xa quê. Những nếp nhà sau rặng tre thường ngày vốn chỉ có bóng người già, nay ríu rít tiếng con trẻ, nam, nữ thanh niên. Đường làng, ngõ xóm cũng náo nhiệt hơn bởi tiếng ô tô, xe máy, tiếng cười nói, chào hỏi nhau của người xa quê lâu ngày.
Có cậu út tuổi đã “băm mấy” nhưng mới kết hôn cách nay 4 tháng; nhưng gần 3 tháng nay, ngày nào bà Phạm Thị Sỹ (thôn Trung Vực Trong, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ) cũng ngóng con trai và dâu mới; bởi cưới xong cặp đôi ra ngay nội thành thuê nhà… ở riêng. “Từ hôm cưới vợ đến nay gần 4 tháng, bận bịu công việc nên đến 2/9 này vợ chồng nó mới về”- bà hồ hởi khoe!
Cũng như bà Sỹ, nhiều gia đình cũng đang trong tâm trạng mong ngóng con cháu trở về. Lâu nay câu nói “Tết là đoàn viên”, gần như chúng ta chỉ nghe vào dịp Tết Nguyên đán, cái Tết cổ truyền của dân tộc đã tồn tại hàng ngàn năm nhưng hiện nay, "Tết đoàn viên" còn đúng với cả các dịp lễ khác, trong đó có Tết Độc lập. Sự mong con, ngóng cháu sum họp với gia đình trong ngày 2/9 không phải là tâm lý riêng ai, đó là khao khát chung của nhiều người. Mỗi năm có thêm một ngày đoàn viên - thêm niềm vui trong một ngày rất đặc biệt của dân tộc.