Người dân phải là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh như vậy tại Lễ phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 – 2020 của huyện Đan Phượng ngày 26/11.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, dù Đan Phượng đã nằm trong tốp đầu tiên của cả nước về xây dựng nông thôn mới, tuy nhiên đây chỉ là kết quả bước đầu. Việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân là mục tiêu xuyên suốt. Vì vậy, các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân nông thôn, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, mỗi người dân phải là chủ thể, mỗi gia đình phải đi đầu trong tham gia xây dựng nông thôn mới; không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.

  Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tham dự lễ ký giao ước thi đua của các đơn vị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, công nghệ sạch có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao đặc biệt là xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại lễ phát động

Tiếp tục huy động hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, hoàn thiện các công trình phúc lợi của địa phương, góp phần hiện đại hóa nông thôn. Có các biện pháp thiết thực để giữ gìn môi trường sống xanh, sạch đẹp trong các khu dân cư nông thôn. Vận động các hộ gia đình cải tạo nhà cửa, vườn ao, chuồng trại, nhà vệ sinh; tích cực trồng cây, thu gom rác thải, sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh, bảo vệ môi trường. 

 

Thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang; phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; đẩy mạnh khai thác các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong thanh thiếu nhi và các tầng lớp Nhân dân. Bảo tồn và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ cổ truyền… góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, tạo mối đoàn kết, xây dựng tình làng, nghĩa xóm…

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đi thăm mô hình sản xuất tại huyện Đan Phượng

Tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn. Phát huy dân chủ, vai trò giám sát, phản biện của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đi thăm mô hình sản xuất tại huyện Đan Phượng

 
Tại lễ phát động, huyện Đan Phượng phấn đấu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, UBND huyện đã triển khai kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn huyện với một số nội dung trọng tâm như: tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.