Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người gieo chữ cho trẻ khuyết tật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã ở tuổi 81 nhưng bà giáo Hồ Hương Nam (trú tại cụm 6, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) vẫn ngày ngày trở dậy từ sớm để lên lớp giảng bài. Điều đáng nói, tất cả học sinh trong lớp học tình thương của bà hiện đều mang trên mình những khuyết tật.

Cái “duyên” với nghề giáo

Gần 16 năm qua, bà Nam lặng lẽ mang con chữ góp phần nâng đỡ hàng chục mảnh đời bất hạnh. Và với không ít đứa trẻ trong lớp học tình thương quận Tây Hồ, số phận của chúng đã có thêm những gam màu tươi sáng khi đi qua những năm tháng bên cạnh bà. 

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thừa Thiên - Huế trong một gia đình có bố mẹ đều là quân nhân. Học xong cấp 2 tại trường Quốc học Huế, bà Nam ra Bắc tập kết. Ngày đó, bà vừa tròn 20 tuổi. Khi tàu đưa con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc cập cảng Hải Phòng, nhiều người cùng đi được phân công về các tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ để đảm nhiệm các công việc khác nhau. Bạn bè bà Nam người trở thành y bác sĩ, người hoạt động trong lực lượng vũ trang, riêng bà chọn cho mình nghề gõ đầu trẻ.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và lãnh đạo ngành GD&ĐT Hà Nội thăm hỏi bà giáo Hồ Hương Nam nhân dịp 20/11.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và lãnh đạo ngành GD&ĐT Hà Nội thăm hỏi bà giáo Hồ Hương Nam nhân dịp 20/11.
Năm 1954, bà Nam được cử về dạy học tại trường Tiểu học số 1 Ba Đồn (huyện Bố Trạch, Quảng Bình). Sau 2 năm, bà theo chồng trở lại Hà Nội. Tại đây, bà tiếp tục công việc dạy học tại trường Tiểu học An Dương và sau cùng là Hoàng Hoa Thám trước khi nghỉ hưu năm 1979. Tuy nhiên, cái duyên với nghiệp con chữ của bà không chỉ dừng lại ở đó. Sau khoảng 15 năm làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền phòng chống HIV-AIDS tại phường Yên Phụ, được tiếp xúc với nhiều thành phần trong xã hội, trong đó có nhóm đối tượng trẻ em khuyết tật, gia đình các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bà Nam ấp ủ hy vọng mở lớp để dạy học miễn phí cho nhóm đối tượng thiệt thòi này.
Việc làm của bác Nam khiến nhiều giáo viên trong trường rất cảm phục, không chỉ vì lòng nhiệt huyết với nghề mà còn bởi tấm lòng của bác dành cho các em nhỏ thiệt thòi. Những nhà giáo tâm huyết với nghề như bác Nam là tấm gương sáng để những thế hệ giáo viên trẻ chúng tôi học tập và noi theo.

Hiệu trưởng trường THCS An Dương Nguyễn Thị Ngọc Lan

"Vạn sự khởi đầu nan", thời gian đầu mở lớp, bà Nam gặp không ít khó khăn, từ sự thờ ơ, hoài nghi về một tấm lòng của người dưng, tới những thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. "Nhiều người không hiểu, chê cười, cứ nghĩ tôi mở lớp dạy học để kiếm tiền từ lũ trẻ khuyết tật. Ban đầu cũng buồn lắm, nhưng tôi tự nhủ: Cây ngay không sợ chết đứng…" - bà Nam tâm sự. Thậm chí giai đoạn đầu, bà phải đi tới từng gia đình có con em bị khuyết tật để vận động và "xin" được dạy chữ cho các cháu. Lớp học đông dần cũng là lúc bài toán về địa điểm trở thành vấn đề nan giải. Cô và trò phải lên lớp ngay tại trụ sở tuần tra của cụm dân cư số 6, nhà văn hóa phường Yên Phụ, rồi nhà trẻ mẫu giáo... Tuy nhiên, chỉ được "dăm ba bữa" là y rằng cô trò lại… bị đuổi! Mãi tới năm 2001, được sự giúp đỡ của Phòng Giáo dục quận và lãnh đạo trường THCS An Dương (quận Tây Hồ), bà Nam được bố trí một phòng học tại trường để giảng dạy. Và sau gần 5 năm trên hành trình gieo chữ, lớp học tình thương quận Tây Hồ của bà Nam mới chính thức có được một "danh phận".

Dâng mật ngọt cho đời

Hiện tại, lớp học tình thương của bà Nam có 15 học sinh. 100% các em đều mắc một hoặc nhiều thương tổn khác nhau như tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, liệt tứ chi, câm điếc… Nhỏ nhất là bé Nguyễn Phương Anh, bị câm điếc bẩm sinh, năm nay mới 8 tuổi, và lớn nhất là Lưu Hồng Dương, bị liệt bán thân phải ngồi xe lăn, vừa bước qua tuổi 32. Hầu hết các bé đều có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Điển hình như bé Nguyễn Phương Anh, bố mẹ bỏ nhau từ khi em còn tấm bé, hiện đang sống cùng bà ngoại. Hay như em Đỗ Kim Thúy, 24 tuổi, mắc hội chứng Down (một dạng chậm phát triển tâm thần), mồ côi mẹ từ nhỏ, sống cùng người cha hiện đã mất khả năng lao động.
Bà giáo Hương Nam tận tụỵ với học trò kém may mắn trong lớp học tình thương.  Ảnh: LÂM NGUYỄN
Bà giáo Hương Nam tận tụỵ với học trò kém may mắn trong lớp học tình thương. Ảnh: LÂM NGUYỄN
 
Là một nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng bà Nam vẫn rất tâm huyết với sự nghiệp trồng người, có tấm lòng nhân hậu và hết mực thương yêu những trẻ em thiệt thòi. Những tấm gương như bà Nam là nguồn lan tỏa rất lớn, thể hiện tấm lòng người giáo viên nhân dân và nêu bật truyền thống nhân nghĩa, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận
Lớp học của bà Nam thường bắt đầu từ 8 giờ đến 10 giờ sáng từ thứ Hai tới thứ Sáu hàng tuần. Dù chỉ là lớp học dành cho trẻ thiệt thòi nhưng nền nếp của lớp luôn được cô, trò và các bậc phụ huynh tôn trọng. Học sinh chỉ ở nhà, không lên lớp khi trời mưa to gió lớn hoặc ốm đau… Còn lại, cả cô lẫn trò luôn cố gắng để duy trì lớp học đều đặn. Dạy chữ cho trẻ khuyết tật chưa bao giờ là việc dễ dàng. Với một bà giáo tuổi đã xế chiều, điều đó lại càng khó khăn hơn.

"Nhiều cháu ngày đầu tới lớp rất sợ sệt và thường xuyên quấy khóc, đòi về. Những lúc đó tôi phải dỗ dành rất lâu mới khiến các bé giữ trật tự" - bà Nam cho biết. Do sức học và độ tuổi học sinh chênh lệch nên bà Nam phải chọn giảng dạy theo phương pháp "chăm sóc cá biệt". Điều này đồng nghĩa, với từng em học sinh, bà Nam phải có cách thức tiếp cận và dạy dỗ riêng. Chẳng thế mà nhiều giáo viên trường THCS An Dương khi được hỏi hài hước ví von, lớp học tình thương của bà Nam chẳng khác nào lớp học "nhiều trong một". 

Đáp lại tấm lòng của bà Nam, những cô cậu học trò trong lớp học tình thương ngoan ngoãn học hành và ngày một tiến bộ hơn. Hầu hết các em đã biết đọc, biết viết, dù việc đánh vần còn chậm chạp, giọng đọc còn ngọng và nét chữ còn ngả nghiêng. Sự tiến bộ của các em chính là động lực giúp bà Nam thêm vững tin trên hành trình đem con chữ đến với trẻ khuyết tật.

Tiếng lành đồn xa, nhiều bậc phụ huynh ở các quận, huyện lân cận cũng không quản đường sá xa xôi, lặn lội tới xin gửi con em cậy nhờ bà Nam chỉ bảo, dạy dỗ. Trong số 15 em hiện theo học tại lớp học tình thương quận Tây Hồ, hiện 1/3 có hộ khẩu thuộc các quận Long Biên, Ba Đình và huyện Từ Liêm.   

Tính tới nay, lớp học của bà Nam đã cho "ra lò" 15 học sinh. Tất thảy các em đều đang sống và hòa nhập tốt với cộng đồng. Từ chỗ là gánh nặng gia đình, nhiều em đã có thể đi làm kiếm tiền phụ giúp cha mẹ như em Nguyễn Kim Dung (trí tuệ chậm phát triển) hiện làm tạp vụ cho một bệnh viện; em Nguyễn Thị Thoa (mắc hội chứng Down) bán hàng tại quầy hoa tươi… Nhiều em may mắn hơn còn tìm được cho mình những mái ấm gia đình riêng.

Sống hãy là người có ích

Đi từ đầu phố An Dương (phường Yên Phụ), hỏi ai cũng biết bà Nam và việc làm ý nghĩa suốt nhiều năm qua của bà. Căn nhà cấp 4 nhỏ nơi bà đang ở nằm cuối phố An Dương, lọt thỏm giữa những căn hộ cao 3 - 4 tầng xung quanh, cũng giản dị, mộc mạc như chính con người bà. Trong gian nhà chừng 30m2, giá trị nhất có lẽ chỉ là chiếc xe đạp điện thường dựng ở góc phòng. Sống nhờ mức lương hưu không lấy gì nhiều, nhưng bà Nam vẫn dành tiền để mua đồ dùng học tập, quà bánh cho học sinh trong lớp học tình thương liên hoan mỗi dịp cuối tuần và sinh nhật các em trong lớp. Điều đáng quý, như lời chị Phan Thị Vân (phụ huynh cháu Hoàng Thị Huyền, ngụ xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm) thổ lộ, từ khi lớp học ra đời, bà Nam chưa từng nhận một đồng tiền "công" hoặc "cảm ơn" nào từ phía phụ huynh học sinh. 

Ở tuổi 81, trên mái đầu tóc đã bạc phơ, tấm lưng đã còng, những bước đi cũng ngày một chậm chạp hơn, nhưng tinh thần của bà Nam vẫn còn rất minh mẫn, và mong muốn được đóng góp công sức cho sự phát triển của xã hội thì dường như vẫn còn vẹn nguyện. Bên cạnh việc dạy chữ cho trẻ khuyết tật, bà Nam còn tham gia công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền phòng chống HIV - AIDS… Hiện bà Nam là Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học và Chi hội Người cao tuổi của cụm dân cư số 6 (phường Yên Phụ). Việc tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng với bà Nam cũng giống như một cách để tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống. Bao nhiêu phiền muộn cũng theo đó mà tan biến. Đó cũng chính là động lực để bà hoàn thành tốt các công việc được giao phó.

Khi được hỏi về mong muốn của bản thân sau tất cả những cố gắng đang làm vì trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi, bà Nam trầm ngâm cho biết: "Tôi chỉ mong muốn các cấp chính quyền địa phương và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện nhiều hơn cho đối tượng trẻ em khuyết tật, để các em được sống trong tình yêu thương và có cơ hội hòa nhập cộng đồng…".