KTĐT - Thành công trong việc “tái sử dụng” các cầu thủ ở hàng phòng ngự là một trong những nguyên nhân trực tiếp giúp AC Milan vượt qua được cuộc khủng hoảng nghiêm trọng lúc đầu mùa. Nesta đã trở lại phong độ tốt nhất trong nhiều năm qua và là một điểm sáng của đội bóng, khi đá cặp với Thiago Silva (trị giá của anh đã tăng gấp đôi trên thị trường sau nửa mùa bóng, từ 10 triệu lên 20 triệu euro).
Huấn luyện viên Leonardo được coi là người có công chính trong việc vực dậy một loạt cầu thủ quan trọng tưởng như đã hết thời của AC Milan, từ Dida, Storari, Nesta cho đến Oddo và đặc biệt ở trường hợp Ronaldinho.
Vàng của Leonardo. Ấy là điều mà người ta nói về những ngôi sao đã tỏa sáng trở lại trong tay Leonardo, sau một thời gian dài chìm vào những khủng hoảng cá nhân, vì chấn thương, sa sút phong độ hoặc mất niềm tin.Ví dụ khá tiêu biểu cho thành công của Leonardo là Dida, người mà hồi mùa trước đã được AC Milan đề nghị trả “một cục” 5 triệu euro để tự cắt 2 năm còn lại trong hợp đồng. Thế nhưng bây giờ, anh đã từ “Didastro” (đọc chệch từ “disastro” - thảm họa) trở thành “Super Dida”(Dida siêu hạng) và ban lãnh đạo sẵn sàng kéo dài hợp đồng với thủ môn này thêm một năm nữa.
Thời cầm quân của Leo cũng trùng với sự chói sáng của Storari, người chưa bao giờ được coi là một thủ môn giỏi. Thời kỳ đầu mùa, anh đã chơi hay đến mức mà AC Milan quyết định không chi 15 triệu euro để mua thủ môn Marchetti từ Cagliari nữa. Phong độ của Dida và Storari khiến Abbiati phát rầu. Người năm ngoái còn là thủ môn chính của Milan giờ đang đòi ra đi để không phí hoài thời gian mài đũng quần trên ghế dự bị.
Thành công trong việc “tái sử dụng” các cầu thủ ở hàng phòng ngự là một trong những nguyên nhân trực tiếp giúp AC Milan vượt qua được cuộc khủng hoảng nghiêm trọng lúc đầu mùa. Nesta đã trở lại phong độ tốt nhất trong nhiều năm qua và là một điểm sáng của đội bóng, khi đá cặp với Thiago Silva (trị giá của anh đã tăng gấp đôi trên thị trường sau nửa mùa bóng, từ 10 triệu lên 20 triệu euro).
Trong khi đó, các hậu vệ cánh cũng thành công một cách đáng ngạc nhiên. Để tuột mất Cissokho hồi mùa Hè, Leonardo buộc phải “tái chế” các hậu vệ biên như Oddo, Zambrotta và kết quả là họ thi đấu tốt ngoài dự kiến, đặc biệt với Oddo, người từ Bayern Munich trở về sau thời gian cho mượn và đã nằm trong danh sách “cần thanh lý gấp”. Leo còn biết tạo cơ hội và cũng đã thành công đối với những cầu thủ bị coi là hạng hai như Antonini và Abate.
Nhưng thành công lớn nhất là đối với Ronaldinho và Borriello. Chỉ trong nửa mùa bóng, cầu thủ răng hô người Brazil đã xóa đi được nỗi ám ảnh Kaka của các tifosi AC Milan và củng cố vững chắc vị trí thần tượng trong lòng giới hâm mộ. Điều đó khiến vụ bán Kaka cho Real Madrid trở thành một thương vụ rất hời của AC Milan, khi kiếm được 67 triệu euro tiền chuyển nhượng và tiết kiệm 10 triệu euro tiền lương (đến năm 2013) của anh. Borriello từng trải qua 2 mùa bóng khó khăn chồng chất và giờ đây đã bình phục để trở lại phong độ tốt, giúp AC Milan gạt sang một bên nỗi thất vọng không mua được tiền đạo người Bosnia Edin Dzeko lúc đầu mùa.
Dưới tay Leonardo, một loạt cầu thủ khác cũng đã tìm lại được nụ cười sau một mùa bóng thất vọng cùng Ancelotti. Họ là Ambrosini, Pato, Seedorf và Pirlo, trong đó, “giáo sư Hà Lan” và đạo diễn trận đấu người Italy trở thành xương sống của hàng tiền vệ. Các tân binh được đưa đến lúc đầu mùa đều chưa thể hiện được hết khả năng của mình.
Huntelaar hiện vẫn chỉ là sự lựa chọn số 3 trên hàng công và onyewu gây thất vọng lớn (trước khi bị chấn thương đến hết mùa giải). Mục tiêu của Leo hiện tại là làm thế nào để Huntelaar hòa nhập nhanh chóng hơn nữa vào đội bóng và giúp Inzaghi thoát khỏi nỗi thất vọng ngồi dự bị liên tục để không mất đi bản năng "sát thủ" trước khung thành. Vực dậy các cựu binh, vực dậy cả AC Milan và tiếp tục mơ ước (nhưng huấn luyện viên này không bao giờ đề cập đến từ Scudetto, vì Inter Milan còn rất mạnh), Leo đang đi trên con đường thành công. Trước hết là cho chính ông, sau đó cho các cầu thủ và AC Milan./.