Đây là quy định tại dự thảo Thông tư Hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các DN nhỏ và vừa, do Bộ LĐTB&XH đang được lấy ý kiến góp ý.
Thông tư áp dụng đối với người lao động đang làm việc trong các DN nhỏ và vừa; trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; DN nhỏ và vừa theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.
Người lao động được hỗ trợ đào tạo nghề phải đáp ứng các điều kiện: Được DN cử tham gia các khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng thì được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề. Các chi phí còn lại do DN nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận.
Dự thảo thông tư cũng quy định ưu tiên đào tạo nghề đối với người lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh và người lao động làm việc trong các DN hoạt động ở các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các DN do nữ làm chủ.
Ngành nghề được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng do DN lựa chọn, xác định trên cơ sở ngành, nghề đăng ký kinh doanh của DN và có trong danh mục nghề được UBND cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đối với những ngành nghề chưa có trong danh mục được UBND cấp tỉnh phê duyệt, DN đề xuất Sở LĐTB&XH để tổng hợp, xem xét trình UBND cấp tỉnh phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.
DN được lựa chọn cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong địa bàn tỉnh, TP trực thuộc Trung ương – nơi DN hoạt động, có ngành nghề đào tạo theo quy định để cử người lao động tham gia các khóa đào tạo nghề.
Trong việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các DN nhỏ và vừa, UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của địa phương; các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, DN trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện các quy định tại Thông tư này.
UBND TP bố trí kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động làm việc trong DN. Cùng với đó là tổ chức thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong DN.
Sở LĐTB&XH có trách nhiệm tham mưu đề xuất UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn các DN, cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong DN theo quy định.
Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH tổng hợp kế hoạch và kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong DN của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn theo quy định hiện hành. Và, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong DN của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp, các DN trên địa bàn…