Ngước đôi mắt lờ đờ lên trần nhà, 2 bàn tay co quắp, đã hơn 1 tháng nay, cháu Phạm Quang Tùng (học sinh lớp 3 trường Tiểu học Hiệp Hòa-Kinh Môn-Hải Dương) không còn khả năng nhận biết mọi vật xung quanh. Ngồi bên con, Thiếu tá Phạm Văn Hướng, Y sỹ ở Nhà giàn DK1-20 liên tục gọi tên con: “Tùng ơi”, Tùng ơi…” trong vô vọng.
Anh Hướng cho biết, ban đầu Tùng bị chuột rút ở chân, sau khi được xoa bóp thì trở lại bình thường. Sau đó cháu bị nôn, lên cơn co giật nhẹ, bị mất thăng bằng, bước chân đi mà như muốn ngã về phía trước. Vợ chồng anh đưa con lên Bệnh viện Bạch Mai khám nhưng các bác sĩ không phát hiện ra bệnh. Gia đình tưởng cháu ốm thông thường chỉ mấy ngày là khỏi, nào ngờ sau khi về nhà, Tùng bị co giật mạnh, tần suất ngày một nhiều nên phải chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán Tùng bị bệnh viêm não chưa rõ nguyên nhân.
Thiếu tá Phạm Văn Hướng, Y sỹ ở Nhà giàn DK1-20 bên con trai
|
Theo anh Hướng, sau 1 tuần điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, cháu Tùng bị rối loạn ngôn ngữ, sau đó lịm dần, sốt cao và không còn khả năng nhận thức. Sau 1 tháng nằm viện, Tùng được chuyển sang Khoa Thần kinh-Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị. Hiện nay, các bác sĩ vẫn đang điều trị cho Tùng theo phác đồ điều trị bệnh viêm não.
“Hiện các bác sĩ vẫn chưa tìm được nguyên nhân bệnh của cháu và vẫn điều trị theo phác đồ bệnh viêm não. Đã hơn 45 ngày nằm viện, bệnh tình của cháu chưa có gì biến chuyển, cháu ăn uống kém, vẫn còn sốt, co giật, không tiếp xúc, không nhận thức, không nói được”, anh Hướng tâm sự.
Nằm bất động, cháu Tùng vẫn ở trạng thái không còn khả năng nhận biết. Nhìn con trai, chị Ngô Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Hiệp Hòa (Kinh Môn, Hải Dương) cố bặm chặt môi để không bật ra tiếng khóc. Chị ôm lấy con, nựng con vào lòng như muốn truyền thêm hơi ấm để con chiến thắng bệnh tật. Nhưng cũng chính chị lại run sợ bởi sự im lặng không có đến một dấu hiệu dù chỉ là cái cựa mình rất khẽ từ con. Rồi chị lại nhẹ nhàng, kiên nhẫn đút từng thìa sữa cho con, nhưng cháu Tùng không tự nuốt được, dòng sữa lại trào ra. Nước mắt giàn giụa, chị Liên vừa lau miệng cho con, vừa khóc: “Con ơi, tỉnh lại đi con ơi…” khiến ai có mặt trong phòng cũng khó cầm được nước mắt.
Lặng lẽ ra hành lang ngồi một mình, người chiến sĩ Hải quân nước da sạm đen vì nắng gió giữ khuôn mặt bình tĩnh suốt cuộc trò chuyện. Chỉ đôi lúc anh mỉm cười tự hào khi nói về 2 cậu con trai học giỏi, ngoan ngoãn của mình rồi lại ngậm ngùi nhắc tới sự hy sinh, cam chịu của vợ.
Anh Hướng đi làm nhiệm vụ ở nhà giàn từ năm 1993, đến năm 1996 anh về phép thì quen cô giáo Liên và đúng 20 ngày sau đám cưới của anh chị diễn ra.
21 năm là chiến sĩ Hải quân nhà giàn, 2 lần chị Liên chuyển dạ sinh con, là 2 lần chị không có anh ở bên cạnh, bởi thời gian ấy anh lênh đênh vừa hết nhà giàn DK1-20 rồi đến DK1-8. Mãi đến khi con trai được 16 tháng, anh mới có thời gian trở về đất liền thăm mẹ con. Gần 18 năm qua, chị Liên vừa làm tròn thiên chức làm mẹ, vừa thay chồng gánh vác việc gia đình, chăm sóc bố mẹ già, 2 con còn nhỏ dại. Căn nhà cứ “thùng thình” trống vắng vì thiếu bàn tay đàn ông.
“Lấy chồng lính biển nghĩa là phải chấp nhận xa nhau. Ngày bố của anh Hướng nằm viện, anh cũng không có thời gian trở về đất liền thăm bố. Đến khi bố mất được 3 tháng anh mới về. Từ ngày đó đến nay đã qua 2 giỗ của bố nhưng anh không có mặt ở nhà. Vừa rồi anh được về nghỉ phép thì con trai lại nằm viện thế này. Chẳng lúc nào anh được nghỉ ngơi”, nói đến đây mắt chị rưng rưng dẫu biết làm vợ lính Trường Sa luôn phải mạnh mẽ hơn những người phụ nữ khác. Trong những cuộc điện thoại giữa đảo và đất liền, anh chị chỉ biết động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn.
Niềm vui đoàn tụ được nhân lên, khi ngày 20/3 vừa qua anh được nghỉ phép về thăm gia đình sau 2 cái tết vắng mặt ở nhà. Ngôi nhà nhỏ đủ 4 thành viên với niềm vui giản dị là được quây quần bên mâm cơm, được nghe cháu Tùng khoe vừa đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi toàn trường…
Nhưng niềm vui chưa được trọn vẹn thì 3 tuần sau, cháu Tùng phải nhập viện cấp cứu với kết quả chẩn đoán bệnh viêm não chưa xác định được nguyên nhân.
Anh Hướng tâm sự, anh đã gia hạn nghỉ phép lần thứ 2, hạn phép cũng chỉ còn 12 ngày mà tình hình bệnh của con vẫn chưa tiến triển. Khi hết phép, anh Hướng sẽ vào lại đơn vị nhưng trong lòng luôn canh cánh nỗi lo cho đứa con mắc trọng bệnh. Anh tâm sự: “Anh em chiến sĩ rất đoàn kết, tình cảm. Biết chuyện gia đình tôi, các anh đều chia sẻ, động viên, tạo điều kiện gia hạn nghỉ phép. Nhưng tôi không thể vì chuyện riêng của gia đình ảnh hưởng đến công việc. Đã là người lính, nhất là người lính nhà giàn phải đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc lên hàng đầu. Nên hơn lúc nào hết, tôi mong muốn con nhanh hồi phục để tôi yên tâm lên đường ra đơn vị công tác”.
Tâm sự của anh Hướng cũng là điều lo lắng nhất của chị Liên. Với đồng lương ít ỏi của anh và chị khó cáng đáng được việc nằm viện lâu ngày của cháu Tùng. Và hơn cả, hiện tại anh chị chưa biết cách nào, tìm thầy thuốc nào để đưa cháu vượt qua cơn hiểm nghèo.
Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo Nguyễn Thị Cúc-giáo viên chủ nhiệm của cháu Tùng cho biết: “Em Tùng là một bé trai rất ngoan ngoãn, nhanh nhẹn, thông minh, nghe lời thầy cô giáo, chan hòa với bạn bè. 3 năm liền em là học sinh giỏi của lớp, vừa qua em cũng đã đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi cấp trường. Em mắc bệnh trước khi thi học kỳ hơn 1 tháng, nên kết quả học tập của em vẫn đang được nhà trường bảo lưu, cho đến khi nào em khỏi bệnh sẽ tạo điều kiện cho em thi lại để tổng kết điểm”.
Tay run run cầm chiếc khăn lau mặt cho con, chị Liên cứ liên tục gọi tên con khiến ai cũng xót xa và lo lắng. Trên giường bệnh, cậu bé Quang Tùng có khuôn mặt khôi ngô vẫn thiêm thiếp như đang ngủ, không biết bao giờ sẽ tỉnh dậy khi mà xung quanh có biết bao người đang lo lắng cho em.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Phạm Văn Hướng-Số điện thoại: 0169 911 99 78
Ngô Thị Liên-Giáo viên trường Tiểu học Hiệp Hòa-Kinh Môn-Hải Dương
Số điện thoại: 0976 654 158
Số tài khoản: 2307215017808 Ngân hàng Agribank –chi nhánh Phúc Thành-Kinh Môn-Hải Dương.
|