Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Mường Ba Vì giữ môn thể thao truyền thống

Bài, ảnh: Khuất Duyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nói đến lễ hội Xuân ở đất Ba Vì, không thể thiếu bắn nỏ - môn thể thao truyền thống thể hiện sức mạnh, tôn vinh sự tinh tế, độc lập, khôn ngoan và khéo léo của các chàng trai, cô gái Mường.

 Phụ nữ xã Vân Hòa luyện tập môn bắn nỏ truyền thống.
Bắn nỏ là trò chơi tiêu biểu cho truyền thống thượng võ thường xuất hiện nhiều nơi các đồng bào dân tộc thiểu số. Việc sử dụng nỏ để săn bắt giờ không còn phù hợp, nhưng như để nhắc lại truyền thống đấu tranh sinh tồn của tổ tiên nên vào những dịp lễ hội Xuân, các cuộc thi bắn nỏ lại được tổ chức để tưởng nhớ cội nguồn dân tộc.
Hiện nay cho dù có rất nhiều môn thể thao hiện đại xuất hiện nhưng không làm mai một trò chơi truyền thống này. Ở các xã miền núi của huyện Ba Vì, thì đây vẫn là môn thể thao tiêu biểu cho tinh thần thượng võ, được đưa vào thi đấu tại các hội thi thể thao và thu hút đông đảo người dân tham gia.
Các hội thi, cuộc thi bắn nỏ thường được tổ chức tại các địa phương vào lễ hội Xuân đầu năm như: Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh - cụm di tích Đền Thượng - đền Trung - đền Hạ (14, 15 tháng Giêng); Lễ hội Đình Vân Lai (xã Ba Trại - 6, 7, 8 tháng Giêng) hay ở hầu khắp các thôn, bản. Vẫn có rất nhiều thanh niên nam nữ ham thích và biết bắn nỏ.
Các cuộc thi bắn nỏ thường được tổ chức trên những cánh đồng, những bãi đất rộng hay ven các cánh rừng; do làng hoặc Ban tổ chức lễ hội địa phương tổ chức để chọn ra những người bắn giỏi nhất. Bắn nỏ là môn thể thao đặc biệt bởi tên, nỏ, dây cung đều phải tự chế tạo theo kinh nghiệm mỗi người. Chính vì vậy, dụng cụ tập luyện không có sẵn trên thị trường.

Để có dụng cụ tập, các vận động viên phải bỏ ra vài ngày, thậm chí cả tuần cất công tìm gỗ làm nỏ, cây gai làm dây cung và cũng chừng ấy thời gian để chế tạo ra một chiếc nỏ thô. Để chiếc nỏ có thể mang ra thi đấu, thì phải mất hàng tháng để chỉnh sửa cho chính xác. Việc vót tên cũng phải thật tỷ mỷ trong từng đường dao.
Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khỏe, đôi mắt tinh nhanh. Họ căng dây nỏ, vót tên và tập các động tác bắn cho thật thuần thục. Vận động viên bắn nỏ đòi hỏi phải có thần kinh khỏe, tâm lý bình tĩnh, mắt sáng và tay chắc để giương cánh cung ngắm bắn chính xác vào tiêu điểm. Đây là môn đòi hỏi kỹ thuật, tính chính xác cao và sức mạnh.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, các câu lạc bộ thể thao được thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả. Trong đó, một số nơi nổi bật lên với các môn thể thao dân tộc và đóng góp cho huyện nhiều vận động viên tiêu biểu, xuất sắc tham gia thi đấu tại các giải như bắn nỏ tập trung tại các xã Minh Quang, Khánh Thượng, Ba Vì. Vận động viên tiêu biểu phải kể đến là Đoàn Văn Chung, xã Minh Quang.

Để duy trì và phát triển phong trào tập luyện và thi đấu các môn thể thao dân tộc, ngành TDTT huyện Ba Vì đã bước đầu đưa môn bắn nỏ vào hệ thống các môn thi đấu thể thao thành tích cao. Hàng năm, huyện Ba Vì đều có đội tuyển tham gia thi đấu giải do TP tổ chức và giành được nhiều giải cao. Cùng với đó, mỗi năm một lần, cứ vào dịp đầu năm, khi khai hội Tản Viên Sơn Thánh, giải thể thao các dân tộc thiểu số lại được tổ chức, bắn nỏ là một trong những môn chủ lực trong chương trình thi đấu.
Để có được những thành tích cao, bên cạnh việc Trung tâm TDTT huyện tổ chức mở các lớp tập huấn cho các xã, ngay tại địa phương, các vận động viên thành tích cao cũng thường xuyên trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật cho nhau. Đồng thời tổ chức các giải thể thao dân tộc qua đó nhằm phát hiện và đạo tạo các vận động viên trẻ tiềm năng cho huyện để tham dự các giải thi đấu của TP và khu vực.