|
Tấm lòng một người lính
Sinh ra ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, năm 1972 tròn 17 tuổi Nguyễn Văn Ninh xung phong lên đường nhập ngũ vào Kon Tum, vùng đất từng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học nặng nề. Sau đó, ông tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam . Qua 2 cuộc chiến tranh, ông Ninh bị thương, mất 20% sức khỏe là thương binh hạng 4/4. Năm 1992, ông nghỉ hưu với quân hàm đại úy. Về địa phương, ông tiếp tục tham gia các hoạt động tổ chức, đoàn thể. Tháng 8/2008, khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành lập, ông Ninh được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch, rồi Chủ tịch huyện Hội Mê Linh.
Tận mắt chứng kiến đồng đội và những người bị nhiễm chất độc da cam ốm đau, bệnh tật, rồi hình ảnh những đứa trẻ dị dạng, khuyết tật..., ông Ninh tự nhủ mình phải làm gì để giúp đỡ họ, để họ vơi bớt khó khăn? Nghĩ là làm, ông vận động quy tụ các hội viên vào sinh hoạt Hội. Để có gần 2.000 hội viên tham gia sinh hoạt như hiện nay là điều không dễ dàng. Những ngày đầu, nhiều người không muốn tham gia vì sợ điều tiếng, sợ liên lụy con cái không lấy được vợ, được chồng... Vận động hội viên tham gia sinh hoạt đã khó, vận động các nguồn lực chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân còn khó hơn nhiều. Ban đầu, nhiều cơ quan, đơn vị cho rằng nạn nhân da cam đã có trợ cấp của Nhà nước nên không cần ủng hộ. Song, Hội đã kiên trì thuyết phục, không chỉ một lần mà nhiều lần, rồi mời đến thăm trực tiếp các gia đình nạn nhân, mời tham gia các hoạt động giúp đỡ nạn nhân của Hội… “Dần dần họ thấy được hoàn cảnh của các nạn nhân da cam thực sự còn nhiều khó khăn và những việc làm của Hội là thật sự có ý nghĩa. Nhờ đó, phong trào chăm sóc nạn nhân da cam đã ngày càng lan tỏa, trở thành phong trào xã hội hóa. Số tiền Hội vận động được, số nạn nhân da cam được giúp đỡ ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước” - ông Ninh kể.
Còn nhiều hoàn cảnh khó khăn
Ông Ninh nhớ như in hoàn cảnh của gia đình ông Đinh Văn Thọ, ở xã Tự Lập. Bản thân ông Thọ sức khỏe yếu, con trai ông là anh Đinh Văn Phú bị liệt tứ chi, không nói được, nhà cửa dột nát. Cảm thông sâu sắc với hoàn cảnh của ông Thọ, ông Ninh đề nghị Hội nạn nhân da cam TP vận động Đại sứ quán Ailen hỗ trợ gia đình ông Thọ 25 triệu đồng. Cùng với số tiền UBND huyện hỗ trợ 10 triệu đồng và UBND xã Tự Lập 2 triệu đồng, ông Thọ đã vay mượn làm được căn nhà mới 90m2, trị giá 70 triệu đồng. Ngày khánh thành nhà mới, anh Phú không nói được nhưng cứ ôm chân ông Ninh và mọi người, biểu thị lòng cảm ơn, khiến ai cũng cảm động rơi nước mắt...
Trong 8 năm qua, với sự nỗ lực của ông Ninh và tập thể lãnh đạo Huyện hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Mê Linh, đã có hàng nghìn lượt nạn nhân được hỗ trợ bằng các hình thức xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng xe lăn, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà, hỗ trợ nuôi ăn học… với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Bản thân ông Ninh mỗi năm trích 2 tháng phụ cấp trị giá hơn 8 triệu đồng của mình để ủng hộ kinh phí cho Hội hoạt động. Mỗi số phận, mỗi hoàn cảnh được giúp đỡ là ông Ninh cảm thấy hạnh phúc, bởi với ông, họ như những người thân.
Hiện nay, trên địa bàn Mê Linh vẫn còn rất nhiều nạn nhân da cam có hoàn cảnh khó khăn cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Ông Ninh mong muốn các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, DN sẽ tiếp tục đồng hành với tổ chức hội nạn nhân da cam trong hành trình thiện nguyện, để giúp đỡ nhiều hơn các nạn nhân cả về vật chất và tinh thần.