Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Nhật được luyện kỹ năng đối phó với động đất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Quần đảo Nhật Bản nằm tại nơi gặp nhau của một số mảng kiến tạo địa chất và sự bất ổn về địa chất này khiến Nhật hứng chịu khoảng 1.000 cơn địa chấn lớn nhỏ mỗi năm.

KTĐT - Quần đảo Nhật Bản nằm tại nơi gặp nhau của một số mảng kiến tạo địa chất và sự bất ổn về địa chất này khiến Nhật hứng chịu khoảng 1.000 cơn địa chấn lớn nhỏ mỗi năm.

Nhật Bản thường xuyên hứng chịu động đất mạnh nhưng tổn thất về người thường thấp hơn so với các nơi khác, do nước này có lịch sử sống chung với địa chấn và người dân luôn sẵn sàng ứng phó thảm hoạ.

Chính người Nhật đã sinh ra từ sóng thần (tsunami - sóng ở bến cảng) và có hàng trăm lần những cơn sóng có sức tàn phá cực mạnh này được ghi lại trong lịch sử của họ.

Một trận động đất ngoài khơi năm 1707 gây ra sóng thần đánh vào đảo Shikoku, khiến vài nghìn người thiệt mạng. Trước đó vào thế kỷ 15, một cơn sóng khổng lồ cũng được ghi lại khi nó quét đi một toà nhà lớn trên đỉnh đồi Daibutsu, một bức tượng Phật khổng lồ và một thị trấn ở phía nam kinh đô Tokyo.

Quần đảo Nhật Bản nằm tại nơi gặp nhau của một số mảng kiến tạo địa chất và sự bất ổn về địa chất này khiến Nhật hứng chịu khoảng 1.000 cơn địa chấn lớn nhỏ mỗi năm. Nhiều trận động đất nhỏ đến mức người dân không nhận thấy, nhưng cũng có những cơn địa chấn khủng khiếp đã khắc vào tiềm thức dân tộc Nhật.

Điển hình là trận động đất lịch sử tại Tokyo năm 1923 được gọi là Cơn địa chấn Kanto vĩ đại, mạnh 7,9 độ Richter (nhẹ hơn so với trận động đất 8,4 độ Richter hôm qua). Những đám cháy xảy ra sau động đất năm đó đã thiêu huỷ hầu hết những ngôi nhà truyền thống làm bằng gỗ của người thủ đô, làm khoảng 100.000 người thiệt mạng.

Đúng 72 năm sau, một trận động đất khác mạnh 7,3 độ Richter xảy ra ở thành phố cảng Kobe, phía tây Nhật Bản. Những tuyến đường cao tốc trên cao và hàng nghìn ngôi nhà đã bị phá huỷ tại đây năm 2005, làm khoảng 6.400 người chết và hơn 400.000 người bị thương, cùng các đám cháy khắp thành phố.

Trong khi đó, sau trận động đất năm 1923, Tokyo luôn trong tình trạng sẵn sàng đón chờ một cơn địa chấn mạnh tương tự. Không chỉ thủ đô mà hầu hết Nhật Bản cũng có những nỗ lực trong việc chuẩn bị cho tình huống động đất mạnh với cách thức đối phó có hệ thống, cơ sở hạ tầng được xây dựng với khả năng chống động đất và thói quen ứng phó với thảm hoạ của người dân.

Chính phủ Nhật đầu tư rất lớn vào hệ thống giám sát động đất, trong đó đầu não là Cơ quan cảnh báo sóng thần ra đời năm 1952 do Cục khí tượng Nhật Bản điều hành. Cơ quan này theo dõi hoạt động từ 6 trung tâm khu vực, đánh giá thông tin do các trạm đo động đất đặt cả trên bờ và ngoài khơi, được gọi chung là Hệ thống quan sát sóng thần và động đất, cung cấp.

Với hệ thống trên, Cục khí tượng Nhật có thể gửi đi cảnh báo sóng thần trong vòng 3 phút kể từ khi động đất bắt đầu. Khi xảy ra địa chấn, số liệu liên quan đến mức độ và vị trí cũng lập tức được phát trên truyền hình quốc gia Nhật NHK. Đi kèm đó là các thông điệp bổ sung về việc có cảnh báo sóng thần hay không và nếu có thì ở khu vực cụ thể nào.

Ngoài ra, tại hầu hết các thị trấn và thành phố của Nhật đều có hệ thống loa phát thanh, có thể phát đi nhanh chóng các thông tin khẩn cấp tới người dân. Tại một số vùng nông thôn, chính quyền địa phương còn phát cho người dân những chiếc radio để họ có thể được hướng dẫn sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.

Trong suốt thời gian theo học ở trường, trẻ em Nhật còn thường xuyên diễn tập ứng phó với động đất như chui xuống gầm bàn. Tất cả những người trưởng thành thì đều được thông báo vị trí trung tâm sơ tán gần nhất đối với họ, thường là công viên hay sân vận động.

Cơ sở hạ tầng tại Nhật cũng được xây với quy định có khả năng chống động đất. Các toà nhà cao tầng tại các thành phố lớn được thiết kế để có thể lắc lư một cách linh hoạt, thay vì rung chuyển khi xảy ra động đất để an toàn hơn cho mọi người. Sau trận động đất Kobe năm 2005, Nhật Bản cũng áp dụng những quy định mới về xây nhà chống động đất.

Theo BBC, tại một số khu vực ven biển của Nhật có xây dựng sẵn những nơi trú ẩn sóng thần. Trong khi các nơi khác lập các cống chuyên dụng để chống đỡ với những đợt nước khổng lồ do sóng thần mang tới.

Hệ thống tàu điện tốc hành nổi tiếng của Nhật Bản cũng tích hợp công nghệ tự động dừng hoạt động khi động đất mạnh quá mức cho phép. Các nhà máy hạt nhân và cơ sở khác cũng có cơ chế tự ngừng hoạt động khi có động đất mạnh.

Về tổng thế, Nhật Bản được nhìn nhận như quốc gia có sự chuẩn bị tốt nhất ứng phó với động đất và sóng thần trên thế giới. Tuy nhiên, với dạng thiên tai có sức tàn phá khủng khiếp và chưa thể dự báo này thì nguy cơ vẫn luôn trực chờ bất chấp sự chuẩn bị đến đâu.

Trận động đất gây sóng thần mạnh nhất Nhật Bản trong vòng 140 năm xảy ra hôm qua một lần nữa cho thấy rõ điều này.