Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới thất thu ngân sách Nhà nước.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng doanh thu lớn. Để bắt kịp xu hướng này, những năm gần đây, chính sách thuế về TMĐT đã dần được hoàn thiện, phù hợp với xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh TMĐT tại Việt Nam.
Nhờ đó, số thu thuế từ TMĐT cũng tăng trưởng mạnh qua các năm. Nếu như tổng số thu thuế TMĐT từ các tổ chức, cá nhân Việt Nam trên toàn quốc năm 2021 là 261 tỷ đồng, năm 2022 tăng cao lên mức 716 tỷ đồng, bằng 274% số thu năm 2021; chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2023 số thu từ hoạt động TMĐT đạt mức 246 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào số thuế thu được và số đơn vị, cá nhân kinh doanh trên TMĐT thì có thể thấy dư địa để thu thuế còn rất lớn. Thống kê của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến tháng 6/2023, cơ quan này đã nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng trên Shopee, Lazada, Sendo… Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiltok… không khai báo. Theo quy định hiện tại, thuế suất kinh doanh TMĐT với cá nhân, hộ kinh doanh từ 1,5 – 10%. Như vậy, Nhà nước đang thất thu một khoản không hề nhỏ.
Nguyên nhân chính khiến thất thu thuế TMĐT được đưa ra là do môi trường kinh doanh online khó xác định được đối tượng nộp thuế với danh tính, địa điểm rõ ràng. Bên cạnh đó, TMĐT sử dụng phương thức giao dịch điện tử, khi lịch sử của giao dịch bị xóa, việc khôi phục giao dịch là thách thức không nhỏ với cơ quan quản lý thuế, khi có hàng triệu thông tin về giao dịch được truyền tải trong mỗi giây. Ngoài ra, phương thức thanh toán đa dạng trên môi trường điện tử cũng là trở ngại với đơn vị quản lý thuế.
Để bảo đảm không thất thu thuế, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, rất cần tính tự giác của người nộp thuế. Thực tế hiện nay vẫn có nhiều trường hợp cố tình không nộp, né cơ quan thuế. Tuy nhiên, cũng có một nghịch lý đang diễn ra đó là nhiều chủ shop online lơ mơ không hiểu rõ nghĩa vụ, cũng như cách thức nộp thuế.
Mặc dù lo sợ bị cơ quan thuế phạt chậm nộp thuế, nhưng lại thiếu kiến thức, không biết phải nộp bao nhiêu, nộp cho ai. Điều này vô hình chung đã đẩy người bán hàng online vào cảnh vi phạm quy định về thuế, gây thất thu nguồn ngân sách Nhà nước.
Trước thực trạng tréo ngoe này, giải pháp tuyên truyền, phổ biến kịp thời chính sách, pháp luật thuế đến đơn vị, cá nhân kinh doanh online để bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện quy định, chính sách pháp luật về thuế, để tăng cường khả năng trách nhiệm của các sàn TMĐT, các cá nhân kinh doanh online. Đối với tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh online cũng cần chủ động tìm hiểu, trang bị các kiến thức về nghĩa vụ nộp thuế, tránh rơi vào tình cảnh lơ mơ về thuế khi bị nhắc nhở.