Suốt gần 10 năm qua, thầy Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) thường xuyên dặn các nhân viên kế toán của trường nếu học sinh nào hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đóng học phí thì lấy tiền lương của thầy ra mà đóng.
Chưa đầy 10 năm có mặt trên bản đồ giáo dục TPHCM, ngôi trường mang tên một người anh hùng lao động, nhà khoa học lỗi lạc Trần Đại Nghĩa đã trở thành ngôi trường nổi tiếng. Và người đã có công kiến tạo, khai sáng ra một "thương hiệu" riêng, không ai khác là nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ Nguyễn Bác Dụng, Hiệu trưởng nhà trường.
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, thầy Dụng đã chiêm nghiệm và nhận ra một điều rằng, muốn dạy tốt và học tốt, người giáo viên và học sinh phải hòa nhịp với nhau, phải dạy cho học sinh phương pháp tự suy nghĩ và tự học. Muốn thế, người thầy phải dạy bằng đa phương tiện, đa phương pháp, học trò phải học bằng đa giác quan. Khi giảng bài, người giáo viên không chỉ nhập tâm, nhập hồn vào bài giảng mà còn phải dõi ánh mắt quan sát học sinh để xem các em hiểu đến đâu, hiểu như thế nào. Để đánh giá về chuyên môn và chất lượng giảng dạy, điều mấu chốt nhất là cái tâm của người giáo viên khi soạn giáo án. Những ngôn từ trừu tượng phải được đơn giản hóa để gần gũi, giản dị, giúp học sinh dễ học, dễ hiểu. Đặc biệt, khi giảng bài, người giáo viên phải có điểm nhấn, giọng khi cao khi thấp để học sinh "ngấm" được những điều quan trọng. Nói như thế để thấy rằng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông phải đáp ứng cả 3 mặt: kiến thức, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần. Trong đó, sức khỏe tinh thần có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Do đó phải biết khơi dậy trong giáo viên sự yêu nghề, đam mê với nghề, còn học sinh phải gợi lên những ước mơ, lý tưởng… Những điều đó sẽ tạo ra một tâm lực, giúp cho việc dạy và học có chất lượng hơn.
Thầy Dụng cho rằng người thầy có lúc nhẹ nhàng như một thi sĩ, có lúc dũng mãnh như một tráng sĩ và có lúc vững chãi như một lực sĩ. Mục đích cuối cùng của người giáo viên là phải làm sao để học sinh hiểu, biết ứng dụng, đồng thời yêu mến, quyến luyến mình… Tất cả các phương pháp, ý tưởng ấy đã được thầy khéo léo quán triệt cho giáo viên trong những buổi họp hội đồng, họp chuyên môn hay các cuộc hội thảo. Để chứng minh cho sự thành công của cách làm này, thầy đưa dẫn chứng, nếu như ở năm học 2002-2003, trường chưa có học sinh nào đỗ vào trường chuyên, lớp chuyên thì đến năm học vừa qua đã có hơn 50% học sinh đỗ vào lớp chuyên, gần 90% học sinh đỗ vào trường chuyên. Hay từ chỗ chỉ có hơn 50 học sinh giỏi cấp TP năm học 2002-2003, đến năm học vừa qua đã có 420 em, 100% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT… Đặc biệt hơn, trường còn vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
…đến bồi dưỡng trái tim nhân ái
Thầy Dụng đã đặt ra 3 nhu cầu làm "kim chỉ nam" cho hoạt động của trường, đó là: tự khẳng định mình, giao tiếp và học tập. Để giải quyết 3 nhu cầu đó, thầy đã hướng giáo viên phải làm sao để học sinh kính trọng, phụ huynh tin tưởng và chăm lo làm việc thiện. Bởi theo thầy, làm việc thiện cũng là một cách để tự khẳng định mình. Thầy cho biết, năm 2000 khi về tiếp quản ngôi trường này, nơi đây chỉ là mái trường hoang, không giáo viên, không học sinh và cả không trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy. Khi ấy thầy phải mượn gia đình 30 triệu đồng để thuê người phát hoang, dọn dẹp cây cỏ trong khuôn viên trường, đến giờ vẫn chưa có tiền trả nợ. Thế nhưng đối với thầy "hạnh phúc của mọi người là hạnh phúc của chính mình" nên suốt gần 10 năm qua, thầy vẫn thường xuyên dặn các nhân viên kế toán của trường, quan tâm học sinh nào có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đóng học phí thì lấy tiền lương của thầy ra mà đóng.