Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người tiêu dùng chưa thay đổi thói quen

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/12, tại 7 tỉnh, thành trên cả nước bắt đầu bán xăng sinh học E5 (xăng E5). Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù đã được tuyên truyền về loại xăng mới này nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn quen dùng loại xăng cũ.

Nhân viên tại cây xăng Nam Đồng (185 Nguyễn Lương Bằng) cho biết: Từ ngày 27/11, cửa hàng bắt đầu bán xăng E5 nhưng lượng khách đến mua không nhiều. Tại cửa hàng xăng dầu PVOIL 194 Thái Thịnh, mặc dù đã bán xăng E5 từ năm 2010 nhưng sức mua cũng không tăng như mong muốn. Ông Hoàng Xuân Đức - Trưởng Cửa hàng cho hay, qua 4 năm kinh doanh mặt hàng này, số lượng xăng E5 bán ra chỉ bằng ¼ xăng A92 bán ra. Nguyên nhân là do tâm lý người tiêu dùng vẫn quen sử dụng xăng A92, ngại dùng loại xăng mới. Thêm vào đó, nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn giữa chất Ethanol của xăng sinh học với Methanol - chất được cho là nguyên nhân gây ra cháy nổ xe.

Nhằm thu hút khách hàng, hầu hết các cửa hàng đã giải thích cặn kẽ xăng E5 có tới 95% thành phần là xăng A92, chỉ 5% là Ethanol và 2 loại này có thể trộn lẫn với nhau. Quan trọng hơn cả là xăng E5 giúp bảo vệ môi trường, không gây hại cho động cơ, đồng thời còn giúp động cơ giảm tiêu hao nhiên liệu.  Mặc dù, vậy, nhưng hầu hết người tiêu dùng có chung ý kiến lo ngại: Trong bình vẫn còn xăng cũ nếu đổ thêm xăng sinh học rất có thể ảnh hưởng đến động cơ xe. Bên cạnh đó, giá bán xăng E5 là 20.250 đồng/lít, tương đương xăng A92, vậy nên sử dụng xăng A92 cho an tâm!?

Đại diện Công ty CP Xăng dầu Tự Lực I cho biết: Giá xăng A92 trên thị trường thế giới đang giảm mạnh theo từng ngày, trong khi giá E5 pha vào xăng lại phải mua 17.000đồng/lít. Điều này tạo ra sự chênh lệch giá đầu vào lớn giữa 2 loại xăng này. Để có thể tăng sức mua xăng E5, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ về thuế, phí đối với xăng sinh học, qua đó DN có cơ hội giảm giá để kích thích người tiêu dùng. Sau khi người dân đã sử dụng ổn định, nhận thức tốt về xăng sinh học, lúc đó có thể điều chỉnh lại chính sách để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, DN và người dân.