Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Trung Quốc hết xa xỉ sau nghị quyết lịch sử?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua tại Hội nghị Trung ương VI hôm 11/11, đặc biệt lên án tư tưởng "tôn thờ tiền bạc" và tham nhũng đã nảy sinh trong 40 năm kể từ khi đất nước mở cửa.

Màn hình Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Trung ương VI, trên một con phố tại Bắc Kinh, ngày 11/11. Ảnh: REUTERS 
Nghị quyết "Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh trăm năm của đảng", được truyền thông nhà nước công bố toàn văn hôm 16/11, đã củng cố vị thế của Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời nhấn mạnh tầm nhìn của ông về định hướng Trung Quốc.
Với hơn 36.000 chữ, nghị quyết do ông Tập trình bày trở thành lịch sử về độ dài, so với 2 văn kiện được thông qua dưới thời các nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, lần lượt vào năm 1945 và 1981.
Nghị quyết mới của Đảng cũng thừa nhận sự suy yếu trong vai trò lãnh đạo của mình và những thực tiễn tham nhũng trong thời kỳ đổi mới, từ đó kêu gọi sự quản lý chặt chẽ hơn, công tác tư tưởng mạnh mẽ hơn nhằm giải quyết những vấn đề này. Nhưng nghị quyết cũng lưu ý rằng, nhiều vấn đề dài hạn đã được giải quyết dười thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.
Trong liên tiếp nhiều phát biểu thời gian qua, Chủ tịch Tập đã kêu gọi đạt được "sự thịnh vượng chung" tại Trung Quốc, tìm cách thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo. Ông cũng đã chủ trì một chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn, trừng phạt hơn một triệu quan chức, bao gồm cả các cán bộ cao cấp hàng đầu trong đội ngũ Đảng.
Mặc dù cam kết tiếp tục các chính sách "cải cách và mở cửa", nghị quyết mới lưu ý rằng kể từ khi bắt đầu chính sách này, "các xu hướng tư tưởng sai lệch như tôn thờ tiền bạc, chủ nghĩa khoái lạc và chủ nghĩa cá nhân cực đoan" đã xuất hiện. Ông Tập nhấn mạnh việc đẩy lùi những sai lầm này của xã hội là nhằm hướng đến mục tiêu dài hạn "thịnh vượng chung".
Bloomberg đánh giá, chính sách mới của Trung Quốc không hẳn sẽ loại bỏ các mặt hàng xa xỉ khỏi những trung tâm mua sắm sầm uất của nước này, "nhưng nó có thể mở ra một kỷ nguyên mới tại Trung Quốc, nơi những chiếc đồng hồ sẽ nạm ít kim cương hơn, hay những logo thương hiệu không còn phô trương trên quần áo và đồ trang sức".
Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế và đại dịch Covid-19 được cho đã định hình lại thói quen chi tiêu xa hoa của người Trung Quốc. Sự sang trọng kín đáo đang có xu hướng trở lại, các biểu tượng khẳng định đẳng cấp một cách khéo léo được cho sẽ thay thế những cách "khoe của" thông thường.
Nhiều thương hiệu xa xỉ được cho đang điều chỉnh chiến lược của mình cho phù hợp với hoàn cảnh kinh tế mới của Trung Quốc, trong đó tập trung vào các cá nhân có giá trị ròng cực cao (UHNWI) và giá trị ròng rất cao (VHNWI) hơn là tầng lớp có tham vọng.