70 năm giải phóng Thủ đô

Người trúng tuyển Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội còn cơ hội làm hiệu trưởng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/4, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thường kỳ với nhiều vấn đề được báo chí quan tâm như trách nhiệm với luật sư Lê Đình Vinh - người trúng tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội lại không được bổ nhiệm, quy định phạt tù người ngoại tình, việc triển khai cấp số định danh cá nhân...

Bộ Tư pháp chưa xin lỗi luật sư Vinh

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng kiêm Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng khẳng định Bộ Tư pháp vẫn chưa xin lỗi luật sư Lê Đình Vinh - người đã trúng tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội nhưng chưa được bổ nhiệm. Bộ Tư pháp phải có trách nhiệm với luật sư Vinh. Báo chí từng nói cần xin lỗi luật sư Vinh, nhưng đến thời điểm này là chưa có.
Cuộc họp báo
Cuộc họp báo họp báo thường kỳ với nhiều vấn đề được báo chí quan tâm tại Bộ Tư pháp
“Luật sư Lê Đình Vinh vẫn chưa hết cơ hội được bổ nhiệm vào chức danh Hiệu trưởng Đại học Luật. Đến thời điểm này, Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” do Bộ Nội vụ tham mưu cho Ban cán sự đảng Chính phủ chưa hoàn tất và chưa được phê duyệt. Khi có đề án đó sẽ rà soát điều kiện, tiêu chuẩn; trên cơ sở đó sẽ đề xuất về trường hợp luật sư Lê Đình Vinh sẽ giải quyết thế nào. Phải dựa trên cơ sở Đề án đó mới rà soát, đề xuất được” - ông Dũng thông tin.

Phạt tù tội ngoại tình thế nào?

Xung quanh quy định xử lý hình sự tội ngoại tình được nêu tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015, sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) đã giải thích. Theo đó, Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định “Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng” gồm hai điều kiện: Thứ nhất là làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Thứ hai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

“Có các hình phạt khi phạm tội này, đó là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng tới 1 năm. Căn cứ vào tính chất, bản chất và tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, thẩm phán khi xét xử sẽ quyết định, lựa chọn một trong các khung hình phạt, biện pháp xử lý phù hợp” - bà Thoa thông tin.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nội dung Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 đã được nêu trong Bộ luật Hình sự ban hành năm 1999. Tuy nhiên luật ban hành năm 1999 có khiếm khuyết khi nói rằng phải “gây ra hậu quả nghiêm trọng” nhưng lại không giải thích rõ “hậu quả nghiêm trọng” thế nào. Tuy nhiên hiện nay, Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 đã giải thích rõ ràng “gây hậu quả nghiêm trọng” bao gồm các điều kiện rất cụ thể.