Bỏ của chạy người
Sau 2 ngày trở về sum họp cùng gia đình, nhưng anh Phan Chí Thanh (SN 1977, quê ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) vẫn chưa ổn định sức khỏe, vì trước đó từng phải nhịn ăn, băng rừng lánh nạn. Có lẽ với anh Thanh trong suốt quảng đời hơn 20 năm làm nghề lái xe tải trên tuyến Việt Nam- Lào thì đây là vụ sạt lở đất nghiêm trọng nhất mà anh gặp phải.
"Kinh hoàng, khủng khiếp lắm!", giọng anh Thanh như nghẹn ngào, đứt đoạn. Anh kể, khoảng 12 giờ 30 rạng sáng 3/8 khi đang lái xe đầu kéo (BKS UN8989) trên tuyến Quốc lộ 8 đoạn qua khu vực Đèo Đất thuộc địa bàn tỉnh Bôlykhămxay (Lào) thì gặp mưa xối xả, đất đá, cây cối từ trên núi cao trút xuống ồ ạt. Phát hiện một khối lượng đất khổng lồ chắn ngang đường phía trước, trong giây lát tôi chỉ kịp phanh xe, cầu trời cho “tai qua, nạn khỏi”.
Anh Thanh kể tiếp, lúc ngồi trong cabin đèn xe sáng quắc thấy đất đá, cây cối đổ xuống đường không dứt, tôi nghĩ số mệnh của mình chắc cũng chỉ đến đây thôi, rồi anh nhắm mắt ngủ thiếp khi nào không hay. Mờ sáng tỉnh dậy mới biết mình còn sống, lúc đó trời vẫn còn mưa, xe bị lún nghiêng sang một bên, phía trước, phía sau đều bị đất đá, cây cối vùi lấp không lối thoát.
“Đi cũng dở, ở lại cũng không xong, tôi quyết định để xe và 25 tấn quặng trên đường, ghi số điện thoại liên lạc trên xe rồi đi bộ băng qua những núi bùn đất sạt lở. Dọc đường, tôi được gặp một số lái xe là người Việt Nam may mắn thoát nạn. Vậy là cả nhóm người áo quần ướt sũng, bùn đất dính đầy cùng dắt díu nhau đi bộ hướng về phía Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo”, anh Thanh kể lại.
Cuộc trò chuyện với anh Thanh- một nhân chứng may mắn thoát nạn trở về từ tâm điểm sạt lở đất ở Lào trở nên cuốn hút. Bởi theo anh, trong lúc gặp nạn giữa đường thì anh và một số người Việt Nam đã được lực lượng Bộ đội Lào đưa vào bản Noọng Cọc, huyện Căm Cợt để nghỉ ngơi, ăn uống và sau đó bố trí xe ô tô chở về Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh.
Đếm ngày chờ thông tuyến
Vụ sạt lở đất nghiêm trọng trên tuyến Quốc lộ 8 từ tỉnh Bôlykhămxay (Lào) về Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo tỉnh Hà Tĩnh đã vùi lấp rất nhiều xe ô tô, xe khách, phương tiện vận tải, giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Đây được cho là thảm họa của thiên tai lớn nhất tại tỉnh Bôlykhămxay trong suốt 30 năm qua ở và có thể đã gây thương vong về người, nhưng hiện tại chưa có thông tin xác thực.
Có lẽ, ngoài những bản làng bình yên của nước bạn Lào bị lũ ống càn quét gây thiệt hại nặng nề về tài sản thì những lái xe đường dài tuyến Việt Nam- Lào và ngược lại đã chịu thiệt hại không hề nhỏ. Bởi hiện trường những điểm sạt lở đất trên tuyến Quốc lộ 8 cho thấy, hàng loạt xe ô tô bị vùi lấp trong đất đá hoặc bị đẩy xuống khe suối, vực sâu chờ cứu hộ.
Trao đổi với phóng viên, anh Thái Quốc Tế quê ở xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn cho biết, sạt lở đất kinh hoàng kéo dài hàng chục km, xe ô tô bị vùi lấp nằm la liệt trên tuyến Quốc lộ 8 không thể đếm hết. Trở về nhà, nhiều lúc trong giấc ngủ vẫn còn ám ảnh đất đá từ trên núi cao trút xuống ồ ạt rồi bàng hoàng tỉnh dậy.
“Nếu các lực lượng và phương tiện máy móc giải tỏa, xử lý sạt lở hết công suất thì ít nhất cũng phải mất mười ngày mới có thể thông tuyến Quốc lộ 8 từ tỉnh Bôlykhămxay về Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo. May mắn thoát nạn, trở về với gia đình, tôi chỉ cầu mong việc giải tỏa được thuận lợi, nhanh chóng, an toàn để sớm sang Lào lấy phương tiện, tiếp tục gắn bó với nghề lái xe tải đường dài”, anh Thái Quốc Tế chia sẻ.
Sạt lở nghiêm trọng tại Đèo Đất (Lào) hiện chưa có thống kê thiệt hại cụ thể. Những ngày qua, nhiều lái xe là người Việt Nam chủ yếu quê ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã trở về nhà an toàn. Chính quyền các cấp, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cũng đã kịp thời thăm hỏi, động viên chia sẻ với các gia đình có người thân gặp nạn.
“Sạt lở đất, lũ ống diễn ra nghiêm trọng tại Lào, địa phương đã liên lạc, kết nối với các bản làng kết nghĩa của nước bạn để nắm thông tin, động viên họ khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống. Còn đối với những gia đình ở trên địa bàn có lái xe hoạt động tuyến Việt- Lào, chúng tôi thường xuyên đến thăm hỏi, chia sẻ khó khăn. Qua nắm bắt thiệt hại về tài sản rất lớn, còn về người cơ bản an toàn”, ông Hoàng Văn Thư- Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn cho biết.
Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây/ Bên nắng đốt, bên mưa quây. Mùa này, trên đất nước triệu voi nổi tiếng với loài hoa Chăm pa tươi đẹp đang phải chống chọi với lũ ống, sạt lở đất nghiêm trọng. Với những lái xe vận tải đường dài may mắn thoát nạn trở về Việt Nam, chắc hẳn trong cõi lòng sẽ không nguôi nhớ về nước bạn, hy vọng mọi việc sẽ sớm ổn định, bình an để nghĩa tình hai mái Trường Sơn mãi gắn bó keo sơn, bền chặt.