Được biết, số tiền trên chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Theo báo cáo, trong vòng 10 tháng đầu của năm 2015, tổng doanh thu của 839 DN có website thương mại điện tử (TMĐT) tham gia cung cấp số liệu đạt 11.624 tỉ đồng. Con số này tăng mạnh so với mức 8.084 tỉ đồng của 875 DN năm 2014.
Trong năm 2015, 10 website TMĐT dẫn đầu về doanh thu gồm: vietnamairlines.com, thegioididong.com, esale.zing.vn, fptshop.com.vn, lazada.com.vn, nguyenkim.com, pico.com, dienmaycholon.vn, hc.com.vn, và phucanh.vn. Trên đây hầu hết là các website thuộc nhóm kinh doanh các mặt hàng như vé máy bay, đồ điện lạnh, thiết bị gia dụng, đồ điện tử và kỹ thuật số, thiết bị âm thanh, hình ảnh... Còn đối với sàn TMĐT, tổng doanh thu trong 10 tháng đầu năm 2015 của 105 sàn tham gia cung cấp số liệu là 1.960 tỉ đồng. Như vậy con số này đã tăng gấp 2,4 lần so với 806 tỉ đồng của 2014. 10 sàn TMĐT có doanh thu cao nhất gồm: lazada.vn, chodientu.vn, hotdeal.vn, vatgia.com, enbac.com. rongbay.com. sendo.vn, cungmua.com, deca.vn, adayroi.com. Nguồn thu của các sàn này đến từ cung cấp dịch vụ TMĐT như thu phí gian hàng, thu phí thành viên, quảng cáo, phí dựa trên phần trăm đơn hàng. Tại đó, các nhóm hàng như máy tính, điện thoại, thiết bị văn phòng, thời trang và phụ kiện là được giao dịch nhiều nhất. Về xu hướng tiêu dùng trực tuyến thông qua các thiết bị di động, báo cáo cho biết, có 40% người dùng mua hàng có giá trị dưới 100.000 đồng, 36% nằm trong khoảng từ 100.000 - 500.000 đồng và 24% sẵn sàng chi trên 500.000 đồng. Báo cáo Thương mại điện tử 2015 cũng chỉ ra rằng, trong năm vừa qua, giá trị mua hàng trung bình của một người mua hàng trực tuyến tại Việt Nam đạt 160 USD.
Ảnh minh họa |