Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người Việt mua nhà ở nước ngoài: Kiểm soát chặt dòng vốn ngoại tệ

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ (NAR) đưa ra con số từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người Việt đã chi khoảng 3,06 tỷ USD để mua bất động sản ở nước ngoài, chủ yếu là nhà tại Mỹ. Việc này gây sự chú ý khi những tranh luận về thu hút huy động ngoại tệ trong dân chưa dứt.

Ngân hàng quản chặt
Hiện nay, NHNN đang quản lý các dòng tiền đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở Thông tư 36/2013/TT-NHNN có quy định về mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ để thực hiện hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Theo đó, các NHTM phải được Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN Việt Nam xác nhận tài khoản, tiến độ về chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Đồng thời các DN có giấy phép kinh doanh ở địa phương nào thì phải đăng ký với NHNN tỉnh, thành phố về hoạt động đầu tư ra nước ngoài ở địa phương ấy.
Theo NHNN Chi nhánh Hà Nội, NHNN địa phương là khâu cuối cùng trong hoạt động kiểm soát dòng tiền của DN chuyển ra nước ngoài đầu tư, trên cơ sở DN phải có giấy phép chấp thuận của Bộ KH&ĐT về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, số lượng vốn chuyển để đầu tư, tiến độ dự án đầu tư. Cùng với đó, DN phải có đầy đủ các giấy phép ở quốc gia nơi DN Việt Nam đến đầu tư xác nhận. Có thể nói các chứng từ đầu tư ra nước ngoài được NHNN quản lý rất chặt chẽ và khớp với các giấy phép của các bộ, ngành hữu quan chấp thuận cho tổ chức cá nhân đầu tư ra nước ngoài.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Pháp lệnh Ngoại hối 2005 và Pháp lệnh sửa đổi năm 2013 cũng quy định số tiền chuyển không vượt quá 5% tổng vốn dự án đầu tư từng phần ở nước ngoài. Theo đó, pháp nhân phải mở tài khoản ở một NHTM sau khi dự án đầu tư ra nước ngoài được Bộ KH&ĐT, NHNN đồng ý cấp phép. Do đó, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để mua nhà dưới hình thức chuyển vốn đầu tư hoàn toàn không khả thi.
Hiện chưa có quy định nào xác định chuyển tiền ra nước ngoài mua nhà thuộc trường hợp “chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp” nêu trên. “Theo đường xuất cảnh thì mỗi cá nhân Việt Nam chỉ được mang tối đa 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Hoặc họ có thể "núp bóng" chuyển tiền mục đích hợp pháp như học tập, chữa bệnh, du học... nhưng số tiền chuyển mỗi lần cũng không nhiều . Theo các cách này trên thì phải qua hàng chục, thậm chí hàng trăm lượt xuất cảnh mới tích lũy đủ tiền mua nhà và nếu muốn mua bất động sản thì sẽ phải mất nhiều năm mới có được số tiền lớn để mua nhà”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng nhận xét.
Theo đường không chính thức
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc kiểm soát ngoại tệ ra nước ngoài với mục đích cá nhân, hay tổ chức kinh tế có đầu tư ở nước ngoài rất chặt chẽ và rất có thể người Việt sẽ không chuyển ngoại tệ qua hệ thống NH để mua nhà ở Mỹ. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy chuyển ngoại tệ ra nước ngoài theo con đường “không chính thức” mà nhiều người gọi là “chảy máu ngoại tệ” từ Việt Nam ra nước ngoài.
Thực tế, để mua ngoại tệ hợp pháp từ các ngân hàng, người mua cũng phải xuất trình các giấy tờ như trường hợp chuyển ngoại tệ nêu trên. Và cách thức “đỡ phiền toái” mà nhiều người chọn là mua ngoại tệ từ các điểm đổi ngoại tệ tự do đang hoạt động công khai ở nhiều nơi. Người nhà ở Việt Nam muốn chuyển tiền chỉ cần ghi số hộ chiếu, điện thoại của người nhận. Phí chuyển tiền được tính tùy theo số tiền cần chuyển, thường là khoảng 3% tổng số tiền.
Cũng theo ông Hiếu, tuy thị trường bất động sản Mỹ "đang lên", nhưng dù nguồn tiền người Việt mua nhà tại Mỹ theo cách thức nào, thì họ vẫn đối diện với khá nhiều rủi ro khi chuyển tiền “chui”. Rủi ro về pháp lý, sở hữu và thị trường là ba trong số rất nhiều rủi ro người Việt có thể đối mặt khi chi tiền mua nhà ở Mỹ.
Theo giới luật sư, những thống kê của NAR mới chỉ phản ánh dựa trên dòng tiền chứ chưa nêu rõ thành phần, giới tính. Vì chủ yếu dòng tiền này không được chuyển qua hệ thống NH nên cũng không thể nắm rõ được nguồn gốc xuất phát từ đâu… Do vậy, chỉ nên xem báo cáo của NAR như một tham khảo song cũng là cảnh báo để các cơ quan chức năng Việt Nam cần tăng cường hơn hoạt động kiểm tra giám sát tội phạm vận chuyển tiền ra nước ngoài. Cần xem lại cơ chế quản lý ngoại hối, bởi hiện chỉ quản được kênh giao dịch chính thức. Đồng thời, Nhà nước vẫn cần chính sách quản lý ngoại hối chặt chẽ để thu hút ngoại tệ vào Việt Nam phục vụ đầu tư, điều tiết thương mại, nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu...