Sản lượng khai thác thủy sản 10 tháng đầu năm đạt 3,16 triệu tấn, tăng 4,4%; nuôi trồng đạt 3,54 triệu tấn, tăng 6,2% (so với 10 tháng năm 2018). Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,06 tỷ USD (tỷ trọng chiếm 21,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp).
Về nuôi trồng thủy sản, tôm nước lợ có tổng sản lượng đạt trên 600.000 tấn, tăng khoảng 4,4% so với cùng kỳ. Sản lượng tôm sú ước đạt 251.160 tấn, tăng 1,6%; tôm thẻ đạt 389.000 tấn, tăng hơn 8,0%. Giá tôm nguyên liệu hiện nay loại 1 (cỡ 100 con) tại ĐBSCL giá khoảng 95.000 đồng/kg; Miền Trung và phía Bắc khoảng 100.000 đồng/kg.
Cá tra, sản lượng ước đạt 1,19 triệu tấn, tăng 8,6%. Giá cá nguyên liệu dao động ở mức khoảng 20.000 - 22.000 đồng/kg. Với các hộ tham gia chuỗi liên kết thì giá cá cao hơn, đảm bảo có lãi 1.000 - 2.000 đ/kg.
Đối với các đối tượng nuôi khác, sản lượng cá nước lạnh 2.000 tấn; nhuyễn thể 220.000 tấn; cá rô phi 150.000 tấn; cá biển 40.000 tấn; rong biển 100.000 tấn. Dự kiến nguồn cung cấp cá nguyên liệu vẫn còn nhiều, đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu.
Theo đánh giá, hiện nay, Ấn Độ và các nước nuôi tôm đã hết vụ sản xuất tôm chính. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thủy sản tăng, nhất là ở các thị trường trọng điểm như: EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc. Bên cạnh đó, tác động của Hiệp định tự do thương mại sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh; đặc biệt là việc Mỹ công nhận tương đương với cá tra Việt Nam sẽ là động lực quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu.
Sản lượng tôm và các tra được cho là sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu (cá tra hiện còn khoảng 500.000 tấn; tôm sú ước khoảng hơn 100.000 tấn; tôm thẻ chân trắng ước khoảng trên 180.000 tấn). Tuy nhiên, dự báo về giá tôm, cá tra xuất khẩu sẽ khó tăng lên.