Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguồn cung hạn chế, giá mít tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhiều loại nông sản gặp khó khăn do tắc đầu ra, giá rớt sâu thì giá mít tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần đây tăng cao, thậm chí cao gấp chục lần so với cách đây vài tháng…

Theo ông Trần Văn Chiến (một chủ vựa thu mua mít Thái ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), những ngày gần đây, giá mít Thái đã tăng rất mạnh.

Cụ thể như, mít loại 1 (từ 9 kg/trái trở lên, hình thức đẹp) tại vựa có giá 52.000-55.000 đồng/kg; mít kem loại lớn (theo cách phân loại của vựa thu mua, là loại từ 9kg/trái, hình thức xấu hơn so với loại 1) có giá 38.000-40.000 đồng/kg; mít kem loại nhỏ (từ 4kg/trái đến dưới 9kg) có giá 25.000-27.000 đồng/kg.

Thương lái thu mua mít tại Tiền Giang. Ảnh: G.L 

Nếu thương lái thu mua tại vườn của nông dân thì mít loại 1 có giá 50.000-53.000 đồng/kg; mít kem lớn 36.000-38.000 đồng/kg; miyt kem nhỏ 23.000-25.000 đồng/kg.

Mức giá trên đã cao gấp nhiều lần so với thời điểm tháng 6/2021. Cụ thể, khi đó mít kem bán tại vườn chỉ 2.000-3.000 đồng/kg; còn mít loại 1 có giá chỉ 10.000 đồng/kg…

Không chỉ ở miền Tây, giá mít Thái ở các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh… cũng được thương lái báo giá thu mua cao hơn nhiều lần so với cách đây vài tháng. Cụ thể như, mít loại 1 có giá 46.000-48.000 đồng/kg; mít kem lớn 35.000-36.000 đồng/kg; mít kem nhỏ 20.000-21.000 đồng/kg...

Theo những người trồng mít, nguyên nhân giá mít tăng là do nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay khá lớn, trong khi nguồn cung đang rất hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Hùng (người trồng mít ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, với giá bán như hiện nay, bình quân mỗi tấn mít, nông dân thu được khoảng 35 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện tại lượng mít cho thu hoạch đang rất ít, đó cũng là lý do chính đẩy giá mít lên.

Những năm gần đây, diện tích mít Thái ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh. Ảnh: G.L 

Nửa đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) mít của Việt Nam đạt trên 105,4 triệu USD (tăng 42,4% so với cùng kỳ năm ngoái); đứng thứ 4 trong số các loại trái cây có kim ngạch XK lớn nhất của Việt Nam, sau thanh long (trên 631 triệu USD), xoài (trên 203 triệu USD) và chuối (trên 165 triệu USD)...

Theo Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng cuối năm các tỉnh phía Nam sẽ thu hoạch khoảng 3,2 triệu tấn trái cây; sản lượng rau quả nói chung dành cho XK khoảng 3 triệu tấn.

Tuy nhiên, do khó khăn bởi dịch Covid-19, dự kiến nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ XK sẽ giảm mạnh; XK rau củ quả 6 tháng cuối năm dự báo giảm khoảng 30%...